Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Dân khổ vì quy hoạch treo - Bài 2: Giải bài toán khó giúp dân

  • 08:35 | Thứ Hai, 09/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đi sâu tìm hiểu về vấn đề quy hoạch, quy hoạch treo trên địa bàn TP. Đồng Hới có thể thấy, những địa phương nào có tốc độ phát triển “nóng”, thu hút nhiều dự án là ở đó tồn tại thực trạng người dân sống chưa “an cư” vì vướng quy hoạch treo. Xã Bảo Ninh là một ví dụ, khi rất nhiều hộ dân gửi đơn thư kiến nghị các ngành chức năng TP. Đồng Hới và UBND tỉnh để “gỡ vướng” quy hoạch treo cho gia đình mình…
 
Những hoàn cảnh điển hình
 
Ông bà Phạm Đình Chất (SN 1961) và Phạm Thị Phượng (SN 1967) ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 53, tờ bản đồ 34, diện tích 533,5m2; trong đó, đất ở nông thôn 200m2, đất trồng cây lâu năm 333,5m2. Trên diện tích đất của ông bà có 168,3m2 đưa vào quy hoạch đường giao thông.
 
Theo lời ông Chất, thửa đất ông sở hữu hợp pháp “bỗng dưng” xuất hiện sơ đồ một con đường giao thông chạy theo hướng từ Đông sang Tây chiều dài 20m, chiều rộng 7,67m. Điều đáng nói ở đây là con đường này tồn tại trên giấy gần 20 năm nay khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế. “Nếu tuyến đường giao thông được triển khai thì các cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định thu hồi đất và đền bù tài sản trên đất cho gia đình theo đúng quy định pháp luật. Còn không làm đường thì nên điều chỉnh quy hoạch, thu hồi dự án treo, trả lại hiện trạng đất cho gia đình chúng tôi, không thể để kéo dài mãi như thế!”- ông Phạm Đình Chất chia sẻ. 
Đất ở của gia đình ông Phạm Đình Chất bị vướng quy hoạch cho đến nay vẫn chưa được gỡ vướng.
Đất ở của gia đình ông Phạm Đình Chất bị vướng quy hoạch cho đến nay vẫn chưa được gỡ vướng.
Ông bà Phạm Văn Thạnh (SN 1969) và Nguyễn Thị Hà (SN 1973) cũng ở thôn Mỹ Cảnh sở hữu diện tích đất hợp pháp từ năm 1991, được cấp GCNQSDĐ năm 1993 và cấp đổi mới lại năm 2019 số hiệu CR 454210 tại thửa đất số 39, tờ bản đồ số 34, diện tích 529,5m2; trong đó đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 392,5m2. Thửa đất có 43,3m2 thuộc quy hoạch đường giao thông.
 
Năm 2002, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng xã Bảo Ninh, trong đó có một con đường nối từ trước khu Sun Spa Resort đến tuyến đường ven sông Nhật Lệ rộng 29m băng qua toàn bộ diện tích đất ở gia đình ông Phạm Văn Thạnh. Một thời gian dài quy hoạch trục đường giao thông này “treo lơ lửng”, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình ông Thạnh. Với nguyện vọng được xây dựng một ngôi nhà mới thay thế ngôi nhà cấp 4 cũ nát, nhưng ông Thạnh không thể thực hiện được vì đất vướng quy hoạch.
 
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thanh trú tại thôn Sa Động thuộc hộ chính sách xã Bảo Ninh. Bố ông Nguyễn Thanh tên Nguyễn Đáo (SN 1943) liệt sỹ chống Mỹ, hy sinh năm 1968. Bản thân ông Thanh là bộ đội Trường Sa từ năm 1983 đến năm 1986. Ông Nguyễn Thanh được UBND TP. Đồng Hới cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 193, tờ bản đồ số 38 ngay sát đường Nguyễn Thị Định, diện tích 277,5m2; trong đó có 200m2 đất ở. Đặc biệt, thửa đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông có đến 258,4m2 đất đưa vào quy hoạch đường giao thông.
 
Tháng 11-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2894/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phân khu phía bắc xã Bảo Ninh, thửa đất gia đình ông Nguyễn Thanh nằm lọt hoàn toàn trong phạm vi giao lộ giữa trục đường giao thông quy hoạch rộng 22,5m và đường Nguyễn Thị Định. Năm 2019, ông Nguyễn Thanh được cấp đổi mới GCNQSDĐ, diện tích đất hiện tại thuộc thửa đất 114, tờ bản đồ số 44, diện tích 276,2m2. Theo GCNQSDĐ mới cấp đổi thì 258,4m2 đất đưa vào quy hoạch đường giao thông đã không còn.
 
Khi tiến hành tách thửa để thực hiện giao dịch bán mua nhằm có tiền xây dựng nhà mới thay thế ngôi nhà cấp 4 bị xuống cấp nghiêm trọng xây từ năm 1996 thì ông Nguyễn Thanh được UBND TP. Đồng Hới trả lời diện tích đất của ông vẫn còn vướng quy hoạch tuyến đường rộng 22,5m, không thể cấp giấy phép xây dựng.
 
Giải bài toán trách nhiệm giúp dân- Kết quả ban đầu
 
Sau một thời gian dài  “đội đơn” thỉnh cầu các cơ quan chức năng xin “gỡ vướng” quy hoạch treo, đến tháng 10-2020, ông Nguyễn Thanh thông báo cho chúng tôi một tin vui, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh đưa diện tích đất của gia đình ra khỏi quy hoạch treo. “UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND TP. Đồng Hới xem xét, nghiên cứu cấp giấy phép xây dựng để gia đình bán đi một phần đất cất nhà”- ông Nguyễn Thanh xúc động.
 
Với trường hợp ông Phạm Văn Thạnh, sau quá trình dài gửi đơn kiến nghị, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra cho thấy, tuyến đường Đông-Tây nối từ trước khu Sun Spa Resort đến đường ven sông Nhật Lệ thuộc khu vực dân cư đông đúc, không có khả năng giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện dự án. Từ kết quả trên, Sở Xây dựng đã có công văn số 2292/SXD-QHKT điều chỉnh cục bộ quy hoạch trước đó, hủy bỏ tuyến đường rộng 29m trên phần diện tích đất gia đình ông Phạm Văn Thạnh. Sau khi được điều chỉnh, ông Phạm Văn Thạnh đã được UBND TP. Đồng Hới giải quyết các thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
 
Qua thực tế chúng tôi nắm được, hiện tại ở xã Bảo Ninh còn hàng chục hộ dân bị vướng quy hoạch treo đều liên quan đến quy hoạch phân khu phía Bắc xã Bảo Ninh tại Quyết định số 2894/QĐ-UB, tháng 11-2013 của UBND tỉnh, tức là quy hoạch này đã qua thời hạn 7 năm, cần phải được xem xét điều chỉnh.
 
Sau khi các hộ dân liên tục viết đơn kiến nghị, kiến nghị vượt cấp xin các ngành chức năng “gỡ vướng” quy hoạch cho họ, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường, UBND TP. Đồng Hới, xã Bảo Ninh tiến hành nghiên cứu, có trách nhiệm “gỡ vướng” quy hoạch giúp dân, trong đó xem xét thực tế tình hình để điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Bắc xã Bảo Ninh.
Ngôi nhà cấp 4 nằm bên đường Nguyễn Thị Định của gia đình ông Nguyễn Thanh sau một thời gian dài vướng quy hoạch treo nay đã có thể sửa chữa, làm mới.
Ngôi nhà cấp 4 nằm bên đường Nguyễn Thị Định của gia đình ông Nguyễn Thanh sau một thời gian dài vướng quy hoạch treo nay đã có thể sửa chữa, làm mới.
Làm việc với phóng viên Báo Quảng Bình, ông Lê Anh Đức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Theo Luật Xây dựng năm 2014 thì quy hoạch xây dựng phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong từng giai đoạn. Định kỳ rà soát đối với quy hoạch phân khu là 5 năm kể từ ngày phê duyệt. Quy hoạch phân khu phía Bắc xã Bảo Ninh được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2013, đến nay đã 7 năm. Về hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển các trục đường ngang nối Đông-Tây trong khu dân cư. Nhiều hộ dân Bảo Ninh vướng quy hoạch treo chủ yếu là vướng vì các trục đường giao thông này”.
 
“Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh xem xét thực tế tình hình tại xã Bảo Ninh và hiện tại đang hoàn tất các bước điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Bắc xã Bảo Ninh, trong đó tập trung vào những khu dân cư cũ. Theo các bước điều chỉnh quy hoạch, chỉ giữ lại những tuyến đường kết nối Đông-Tây ở vị trí thuận lợi, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, được người dân đồng thuận. Còn những tuyến đường giao thông nằm trong quy hoạch cũ khó triển khai sẽ đưa ra khỏi quy hoạch. Như vậy, những hộ dân có đất hợp pháp bị vướng quy hoạch treo trước đây sẽ được khôi phục lại nguyên trạng”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Đức cho biết thêm.
 
Theo tiến độ, điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Bắc xã Bảo Ninh hoàn thành trong năm 2020. “Căn cứ vào kết quả điều chỉnh quy hoạch, UBND TP. Đồng Hới tiến hành rà soát tất cả các hộ gia đình bị vướng quy hoạch treo trước đây. Nếu đủ điều kiện, sở hữu đất có nguồn gốc hợp pháp, phù hợp với quy hoạch mới thì được cấp đổi GCNQSDĐ và cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho người dân “an cư lạc nghiệp lâu dài”-ông Lê Hòa Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới khẳng định.
 
Ngô Thanh Long
 

>> Bài 1: Dân khổ vì quy hoạch treo