Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người đàn ông khiếm thị và khoản nợ "trên trời rơi xuống"

  • 10:10 | Thứ Sáu, 21/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào độ tuổi trên 60, ông Hà Công Được (SN 1957) và bà Phạm Thị Quýt (SN 1958), ở số 12 đường Ngô Quyền, TDP 7, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), sẽ không ngờ gia đình mình lại “đáo tụng đình” vì khoản nợ "trên trời rơi xuống" khá lớn. Bởi lẽ, ông vốn là người khiếm thị thì làm sao có thể biết được những điều khoản phức tạp về lĩnh vực tín dụng...
 
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến khoản nợ của ông, bà Hà Công Được, Phạm Thị Quýt và nỗi lòng của người đàn ông khiếm thị khi vướng vào vụ án này.
 
Ngày 16-12-2019, Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu”.
 
Nguyên đơn trong vụ án này là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), bị đơn là Công ty TNHH Vĩnh Thắng (số 28, đường Lê Lợi, phường Hải Đình, TP. Đồng Hới), do bà Trần Thị Hà làm giám đốc.
 
Ông Hà Công Được và bà Phạm Thị Quýt là 2 trong rất nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ngoài ra, bà Hà Thị Hải Yến (SN 1981, ở thôn Đức Môn, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới), là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng với bên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
 
Theo đó, giữa Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty TNHH Vĩnh Thắng đã ký các hợp đồng tín dụng mà tổng dư nợ tính đến ngày 16-12-2019, gồm: tiền gốc 3.520.000.000 đồng, lãi trong hạn 918.102.657 đồng; lãi quá hạn 357.579.965 đồng, lãi chậm trả 35.871.683 đồng; tổng cộng là 4.849.554.305 đồng.
 
Để đảm bảo cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng và các khế ước nhận nợ, Công ty TNHH Vĩnh Thắng đã thế chấp cho Ngân hàng ACB một số tài sản. Trong đó có thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52, tọa lạc ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của hộ ông, bà Hà Công Được và Phạm Thị Quýt. Thửa đất này đã được ký kết theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số QBI.BĐDN.07.220415 vào ngày 27-4-2015, được công chứng tại Phòng công chứng số 1 và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Đồng Hới.
Ông, bà Hà Công Được và Phạm Thị Quýt.
Ông, bà Hà Công Được và Phạm Thị Quýt.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, do Công TNHH Vĩnh Thắng không trả được nợ nên ngày 13-5-2016 giữa Ngân hàng ACB và ông Lê Mẫn và bà Trần Thị Hà ký chứng thư bảo lãnh. Nội dung là ông, bà đồng ý cùng trả nợ với bên được cấp tín dụng-Công ty TNHH Vĩnh Thắng-khi Công ty này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.
 
Theo bà Trần Thị Hà trình bày tại phiên tòa, thực tế khi vay vốn làm ăn, Công ty TNHH Vĩnh Thắng có thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Hà Công Được, bà Phạm Thị Quýt, khi ký hợp đồng thế chấp các con không ký, do bà không biết và phía cơ quan chức năng không hướng dẫn cụ thể nên đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
Ông Hà Công Được, bà Phạm Thị Quýt cho hay, việc vay vốn giữa Công ty TNHH Vĩnh Thắng và Ngân hàng ông, bà không được biết. Tuy nhiên, ông bà có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 ở phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới. Ông, bà đồng ý thế chấp với điều kiện Công ty TNHH Vĩnh Thắng vay với số tiền từ 300-500 triệu đồng, thời hạn vay từ 1-3 tháng, nếu dài nhất là 1 năm. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua nhưng bà Hà vẫn chưa trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông, bà.
 
Về thửa đất thế chấp có nguồn gốc nhiều đời do bố, mẹ ông Được để lại và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình ông, bà là do cơ quan chức năng cấp lần đầu. Theo ông Được và bà Quýt, khi cho Công ty thế chấp tài sản, ông bà giấu các con, chỉ đến khi Tòa án có giấy gọi thì con cái mới biết sự việc xảy ra. Ông, bà yêu cầu Công ty TNHH Vĩnh Thắng trả số tiền đang nợ Ngân hàng, đồng thời hủy bỏ hợp đồng thế chấp giữa ông, bà và Ngân hàng để trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình.
 
Tại phiên tòa sơ thẩm, căn cứ vào các điều khoản theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã buộc Công ty TNHH Vĩnh Thắng phải trả cho Ngân hàng ACB với tổng số tiền gốc và lãi tính đến ngày 16-12-2019 là 4.849.554.305 đồng; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng ACB về xử lý tài sản thế chấp của ông Hà Công Được, bà Phạm Thị Quýt để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Công ty TNHH Vĩnh Thắng; chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là bà Hà Thị Hải Yến, tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số QBI.BĐDN.07.220415 vào ngày 27-4-2015 vô hiệu.
 
Hội đồng xét xử cũng yêu cầu Ngân hàng ACB-Chi nhánh Quảng Bình, là nơi đang lưu giữ giấy tờ về tài sản thế chấp phải trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Hà Công Được và bà Phạm Thị Quýt.
 
Trong ngôi nhà cũ kỹ không có vật dụng gì đáng giá, ông Hà Công Được buồn lòng nói, năm 1984, tôi bị bệnh thiên đầu thống nên ảnh hưởng đến thị lực, sau đó hai mắt mù hẳn nên mọi việc trong nhà cậy nhờ vào vợ và các con. Vào độ tuổi trên 60, vợ chồng tôi không thể ngờ lại vướng vào sự việc phức tạp này, trong khi tôi chỉ có duy nhất một ngôi nhà tá túc được xây dựng trên mảnh đất hương hỏa do bố mẹ để lại.
 
Bà Phạm Thị Quýt thì rơm rớm nước mắt, tôi đi giúp việc cho gia đình bà Hà từ năm 2014, do biết Công ty TNHH Vĩnh Thắng làm ăn khó khăn nên khi được đặt vấn đề tôi đã giao thẻ đỏ cho bà Hà mượn nhưng không ngờ bây giờ phải ôm cục nợ lên đến 1,8 tỷ đồng (?).
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng luật sư Hướng Dương cho rằng, ông Hà Công Được là người khiếm thị, đối tượng yếm thế trong xã hội nên cơ quan chức năng nên cân nhắc thấu tình đạt lý tình tiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Ông cũng đề nghị xem xét lại văn bản xác nhận của UBND phường Đồng Phú ngày 10-2-2015, xem xét lại chữ ký ông Hà Công Được vì ông Được bị mù không thấy, nhưng lại có chữ ký ông Được trong các văn bản liên quan.
Nhóm P.V Bạn đọc