icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Quảng Trị:

Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng "Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực"

  • 14:09 | Thứ Sáu, 19/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 19-3, tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971 giá trị lịch sử và hiện thực”.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.
Chủ trì hội thảo, về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, có đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
 
Sau 2 năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1970), đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn chẳng những không đạt được mục tiêu, mà còn đứng trước những khó khăn lớn. Đầu năm 1971, nhằm tạo bước ngoặt mới cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, địch đã huy động lực lượng, mở 3 cuộc hành quân lớn đánh vào tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn.
 
Trong đó, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào khu vực Đường 9-Nam Lào là cuộc hành quân có quy mô lớn nhất, nhiều tham vọng nhất, nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đồng thời thử nghiệm công thức điển hình của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.
Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, ngay từ giữa năm 1970, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã phân tích, nhận định hành động quân sự mới, hướng tiến công chủ yếu của địch trong mùa khô 1970-1971 sẽ là tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, trọng tâm là khu vực Đường 9-Nam Lào. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định quyết tâm, nắm vững thời cơ, tập trung lực lượng, kiên quyết phản công tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện huyết mạch Bắc-Nam. 
 
Ngày 4-2-1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Mặt trận Đường 9-Nam Lào (gọi tắt là BTL 702). Tư lệnh chiến dịch là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng; Chính ủy là Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chiến dịch trải qua 3 đợt, với sự phối hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, bộ đội ta luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, hiệp đồng nhịp nhàng và chặt chẽ, chiến đấu kiên quyết, chặn đánh, bẻ gãy nhiều mũi tiến công trên các hướng của địch; bao vây, chia cắt, cô lập và tiến công tiêu diệt địch, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn, hoàn thành vượt mức yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. 
 
Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 có ý nghĩa to lớn, tác động mạnh đến cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, giáng đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra một giai đoạn mới-giai đoạn quân đội ta thực hành các chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền Nam; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói chung và nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng. 
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Chiến thắng Đường 9-Nam Lào năm 1971 là đòn giáng mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Đây là một thắng lợi điển hình của chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại đội quân tinh nhuệ của Mỹ và Sài Gòn, mở ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972. Chiến thắng đã đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
 
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích làm rõ bối cảnh tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần; tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa 2 Đảng, Quân đội, và nhân dân 2 nước Việt Nam-Lào; nghiên cứu làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch phản công, làm nên chiến thắng Đường 9-Nam Lào.
 
Trên cơ sở đó, hội thảo nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, phân tích làm rõ những nguyên nhân dẫn tới chiến thắng; tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 
Những bài học từ Chiến thắng Đường 9-Nam Lào có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
 
Dương Công Hợp