icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sau cơn "đại hồng thuỷ"-nhìn lại và suy ngẫm - Bài 2

  • 10:29 | Thứ Hai, 02/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bài 2: Cứu hộ, cứu trợ - Những nỗi niềm trắc ẩn
 
(QBĐT) - Trong đại họa thường dang tay cứu giúp, người Việt Nam là vậy. Trong cơn “đại hồng thủy” vừa qua, bao tấm gương lao mình vượt lũ dữ cứu người, tiếp tế lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm. Lũ còn bao vây, đường chưa thông nhưng cả nước vẫn lao về cứu trợ người dân vùng lũ. Cơm, bánh các loại, mì tôm, chăn màn, áo quần… đủ cả và mỗi gói quà mang theo bao ân tình, nghĩa cử cao đẹp. Nhưng vì tâm lý muốn kịp thời, nhanh nhất có thể nên việc cứu trợ khi thiên tai, bão lũ cũng cần ngẫm lại cho tường!
 
Tâm tình kẻ nhận, người cho
 
“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, lũ lụt ngập mênh mông như biển, bao vùng bị cô lập, bao người nằm trên gác mái, thậm chí trên mái nhà, chịu đói, chịu lạnh mấy ngày liền, sức tàn, lực kiệt. Có tiếng người thều thào qua điện thoại cầu xin cứu giúp, trợ giúp lúc lâm nguy; có lời khẩn thiết qua Facebook, Zalo…xin cộng đồng quan tâm người thân nơi khốn khó.
 
Lòng người nát tan trước cảnh thương tâm đã biến thành hành động. Nhiều tập thể, cá nhân vùng không bị ảnh hưởng lũ lụt đã nhanh chóng nấu cơm, đùm bánh… mang đi cứu trợ đồng bào vùng lũ. Hàng trăm, hàng nghìn suất ăn, nước uống được đóng gói, bao đội tình nguyện hối hả lao đi, mong muốn được trao sớm nhất đến những người đang đói rét.
 Cụ già vùng lũ đã bật khóc khi nhận được hộp cơm nóng từ cộng đồng.
Cụ già vùng lũ đã bật khóc khi nhận được hộp cơm nóng từ cộng đồng. Ảnh: Minh Phong
Nhận được hộp cơm, chiếc bánh chưng, gói lương khô, mì tôm, chai nước…, người dân vùng lũ như được tái sinh. Hình ảnh người đàn ông nhận được hộp cơm vừa run rẩy ăn vừa khóc làm rung động hàng triệu trái tim đồng bào trong và ngoài nước. Nhưng, trong cơn lũ dữ, nước xiết, sóng to, đâu phải nơi nào các đội cứu trợ cũng đến được, đâu phải người dân nào cũng được đón nhận hộp cơm, tấm bánh… Nơi thuận sẽ thừa, nơi khó đành thiếu. Đội, nhóm cứu trợ không thể tiếp cận được nơi vùng sâu, vùng xa đành phát đại nơi dừng chân. Nhưng đồ ăn ngay không thể để nhiều ngày, thừa đành đổ bỏ. Thế là công lao của không ít người, trong đó gói cả tình thương, đành quay lại chốn ban đầu. Có những ngày ở ngã ba Cam Liên chật ních đoàn cứu trợ, trong khi nhiều nơi người dân vẫn đói rét giữa bốn bề nước xiết.
 
Rồi nước rút, lũ tan, mạng sống bảo toàn nhưng người dân nhìn cảnh hoang tàn nhà cửa, ruộng nương mà nát lòng nát dạ. Người cần dựng lại ngôi nhà đã sập, người cần mua lại chăn màn, áo quần đã trôi theo dòng lũ, người cần bao gạo, người thiếu bọc muối, chai dầu, sách vở cho con… Gia cảnh mỗi người mỗi khác, nhu cầu chẳng ai giống ai. Hàng cứu trợ vẫn dồn về, người dân ngày năm, bảy lần đi nhận. Nhưng nghịch lý là không nhận không được, bởi đó là tấm lòng bà con khắp nơi hướng về vùng lũ, còn nhận xong lại chẳng biết làm gì, cái cần không có, cái có lại không cần. Đôi khi mặt hoan hỉ mà dạ trở trăn!
 
Cứu hộ, cứu trợ cũng phải bài bản, lớp lang
 
Mọi tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp hẳn nhiên đều trân quý. Nhưng càng quý hơn nếu nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ, đúng việc, đúng người.  
 
Trong bão lũ, tính mạng con người là trên hết, nên cứu người luôn được đặt lên hàng đầu. Để bảo toàn tính mạng con người, công tác phòng đặc biệt quan trọng. Nếu làm tốt “4 tại chỗ” như trong bài 1 chúng tôi đã nêu, rõ ràng sẽ không có cảnh chới với cầu cứu nơi mái nhà ngập lũ, không có cảnh người dân nhịn đói, chịu rét nhiều ngày nơi vùng trũng, làng sâu.
Một ngôi nhà của người dân thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) tan hoang do lũ.
Một ngôi nhà của người dân thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) tan hoang do lũ. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Hẳn nhiên không thể không có đội cứu hộ đủ điều kiện để cứu người trong hoạn nạn, ngoài đội cứu hộ của từng xóm, từng làng, từng cụm dân phố. Nhưng họ phải được tổ chức lớp lang, có huấn luyện bài bản, chi tiết trong từng công việc: sử dụng, điều khiển ca nô, thuyền như thế nào, tiếp cận đối tượng, vận chuyển họ ra sao, chăm sóc, sơ cứu khi người dân bị thương tích, đuối nước... cần làm gì. Cứu mạng sống con người nhưng đồng thời bảo toàn được nhà cửa, tài sản của họ là điều cần hướng tới.
 
Cứu hộ, cứu trợ không ai thấu hiểu bằng cán bộ cơ sở xã, phường, thôn, xóm, cụm dân cư bởi họ sống cùng dân. Hãy cấp, hãy tài trợ cho họ ca nô, xuồng, thúng để họ cứu dân khi cấp bách mà cứu hộ cấp trên không tới được; hãy hỏi họ nơi nào cần cứu hộ, cứu trợ trước và mang đến cho dân những gì dân cần. Vượt qua hiểm nguy về tính mạng, người dân cần cứu trợ về nơi ăn chốn ở, nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhưng mỗi nơi, mỗi nhà mỗi khác, nên những người đi cứu trợ cũng phải tận tường. Nhiều gia đình nhận đến hàng chục thùng mì tôm nhưng trong nhà không còn hạt gạo; có những người nhận mấy bọc áo quần toàn thứ cho người trẻ dùng nhưng bản thân lại là người già; có gia đình nhận mấy chục suất hàng hóa nhưng lại thiếu đồng tiền để để mua lại sách vở cho con! Người đi cứu trợ từ muôn nơi, làm sao họ biết nơi nào cần trợ giúp, khẩn cấp hay không và những gì là thiết yếu?
 
“Của cho không bằng cách cho”, để người cho, kẻ nhận đều hài lòng, cần một bộ máy tổ chức chặt chẽ, lớp lang, kết nối tinh thông để đón nhận, để điều hướng, để phân phối phù hợp. Muốn được vậy, thông tin phải đi trước, phải nắm bắt chặt chẽ, chính xác nơi xung yếu cần cứu hộ, cứu trợ, vùng nào cần gì trước, cần gì sau. Tâm lý người đi cứu trợ luôn muốn được trao tận tay cho dân, nhiều đoàn bỏ qua không liên hệ với chính quyền cơ sở. Vì thế tạo nên sự chồng chéo, nơi quá thừa, nơi quá thiếu; đoàn cứu trợ và chính quyền cơ sở mâu thuẫn, bất bình với nhau…  
 
Tấm lòng phải gặp tấm lòng. Cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp phải nỗ lực vì dân, không những phải có kế hoạch lớp lang, khoa học, bài bản mà còn phải kiên trì, chịu khó trong ứng xử, hướng dẫn dân và những đoàn cứu trợ. Ngược lại, những người đi cứu trợ cũng hãy hiểu cho nỗi niềm cán bộ cơ sở và người dân để kết nối, sẻ chia.
Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước đã khẩn trương cứu trợ người dân bị ngập lụt tỉnh ta ngay sau khi lũ bắt đầu rút.
Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước đã khẩn trương cứu trợ người dân bị ngập lụt tỉnh ta ngay sau khi lũ bắt đầu rút. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Hãy thiết lập các trung tâm, các điểm tiếp nhận, điều phối cứu hộ, cứu trợ ở từng vùng và có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Làm sao để giải quyết được tính cấp bách của cứu hộ, cứu trợ, đáp ứng được tâm lý muốn gặp trực tiếp dân của những người đi cứu trợ và thỏa mãn nhu cầu của người được nhận cứu trợ, đó chính là điều cần hướng tới. Các trung tâm, các điểm tiếp nhận, điều phối cứu hộ, cứu trợ phải được trang bị những phương tiện, thiết bị, cẩm nang cần thiết, như: ca nô, xuồng máy, xe trọng tải nhỏ (để vận chuyển người đại diện các đoàn tài trợ và hàng hóa dễ dàng đến nơi cần cứu trợ), danh sách cán bộ và số điện thoại của cán bộ các địa phương (để cập nhật thông tin, điều hướng, điều phối trong cứu trợ)…
 
Thiên tai, bão lũ ngày càng khốc liệt, hãy xích lại gần nhau, đoàn kết để tạo nên sức mạnh vượt qua gian khó. Hãy phòng chống thiên tai bão lũ đúng cách, hãy cùng nhau sẻ chia hoạn nạn đúng kiểu, bằng sự tính toan cẩn trọng, khoa học nhưng lại thấm đẫm tình người.
 
                                                                      Hữu Thái