Quảng Bình ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết là trẻ em

  • 12:14 | Thứ Tư, 19/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trưa nay, 19/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết: Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) toàn tỉnh đã vượt mốc 5.000 ca và bệnh nhân nặng đầu tiên đã tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế.
 
Cụ thể, tính đến sáng 19/10/2022, Quảng Bình đã phát hiện 5.072 trường hợp mắc SXH tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc SXH nhiều nhất vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy (1.368 ca), Bố Trạch (1.046 ca), Quảng Ninh (785 ca) và TP. Đồng Hới (630 ca). Đặc biệt, Quảng Bình đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do SXH Dengue là bệnh nhi 5 tuổi.  
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động, giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch SXH.
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động, giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch SXH.
Theo thông tin điều tra dịch tễ: Bệnh nhi tử vong là cháu L.V.L (nam, SN 2017), có địa chỉ ở thôn Văn La (xã Lương Ninh, Quảng Ninh). Xung quanh nơi sinh sống và tại trường học của bệnh nhân trong vòng 14 ngày trước khi bệnh khởi phát chưa phát hiện ca mắc/nghi mắc SXH.
 
Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, ngày 11/10/2022, cháu đang học tại trường mầm non, đến 15 giờ cùng ngày thấy cháu mệt và sốt, cô giáo thông báo cho mẹ tới đón. Về nhà thấy con có biểu hiện hơi mệt, sốt 39°C gia đình cho dùng hạ sốt Paracetamol và Oresol. Chiều tối 12/10, bệnh nhân được mẹ đưa tới phòng khám tư, tại đây cháu được chẩn đoán: Nghi SXH. Sau đó, gia đình đưa cháu về nhà tự chăm sóc và điều trị, trong quá trình ở nhà bệnh nhân sốt cao liên tục.
 
Vào lúc 8 giờ 40 phút ngày 14/10, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới) với tình trạng: Tỉnh táo, người mệt, tím môi và đầu chi, 2 tay lạnh, không chảy máu tự nhiên, sốt 39°C, HA 90/60mmHg, mạch 120 lần/phút, nhịp thở 28/phút. Được chỉ định lấy máu làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Chẩn đoán: SXH Dengue nặng.
 
Đến 15 giờ ngày 14/10, bệnh nhân sốt cao, nói nhảm, mệt nhiều được gia đình xin chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế khám và điều trị. Vào Khoa Nhi Hồi sức tích cực - Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế lúc 19 giờ ngày 14/10 được chẩn đoán Sốc SXH. Đến 7 giờ 45 phút ngày 15/10, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong của Bệnh viện Trung ương Huế do suy đa phủ tạng/sốc sốt xuất huyết. 
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị - không tự ý điều trị tại nhà.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị - không tự ý điều trị tại nhà.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: Tình hình SXH tại các địa phương trong tỉnh hiện chưa có dấu hiệu giảm, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận trên dưới 100 ca mắc mới. Với tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay, dự báo trong thời gian tới số ca mắc SXH tiếp tục diễn biến phức tạp. 
 
“Những triệu chứng ban đầu của SXH Dengue khá tương đồng với một số bệnh như cúm hoặc Covid-19 nên rất dễ bị bỏ sót. Tâm lý ngại đi bệnh viện, nhất là đối với trẻ em của nhiều bố mẹ dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh SXH Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh SXH hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ bản thân và gia đình”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo. 
Người dân cần chung tay làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, hạn chế không cho muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng và phát triển.
Người dân cần chung tay làm vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, hạn chế không cho muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng và phát triển.
Thời gian qua, ngành Y tế cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch SXH, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm và vùng đang xảy ra ổ dịch của các huyện, thị xã, thành phố. Các đơn vị y tế đã tập trung phun hóa chất diệt muỗi chủ động và xử lý các ổ dịch; phối hợp với các đoàn thể địa phương triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, hạn chế không cho muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng và phát triển. 
 
Cùng với đó, các bệnh viện tuyến huyện tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân SXH kịp thời. Tuy nhiên, việc khan hiếm hóa chất, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị… đang là rào cản rất lớn cho công tác phòng, chống dịch SXH hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Nội Hà
 

tin liên quan

Lơ là với bệnh dại

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa xuất hiện một số người tử vong do bệnh dại. Thế nhưng, người dân và chính quyền địa phương vẫn còn lơ là với việc tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại.

Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan bệnh Đầu mùa khỉ ở động vật

(QBĐT) - Ngày 17/10, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1924/UBND-KT về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan bệnh đậu mùa khỉ ở động vật.

Phòng và chữa bệnh ngoài da khi sống trong môi trường vùng lũ

Môi trường vùng lũ thường ô nhiễm nặng, nguy cơ gây bệnh ngoài da rất cao, dưới đây là tư vấn của bác sĩ da liễu về các bệnh ngoài da với người dân vùng lũ lụt và các biện pháp phòng bệnh.