Thực hiện tốt sàng lọc sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa

  • 14:33 | Thứ Ba, 27/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Một trong những mục tiêu luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cho thế hệ trẻ sinh ra có sức khỏe tốt, dân trí cao.
 
Sàng lọc sơ sinh (SLSS) là chương trình thực hiện xét nghiệm cho tất cả các trẻ sơ sinh
Thực hiện tốt sàng lọc sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng dân số
Thực hiện tốt sàng lọc sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng dân số.
nhằm phát hiện sớm những bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển thể chất, tâm thần của trẻ để có hướng xử lý kịp thời, giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất. Sàng lọc trước sinh (SLTS) và SLSS còn giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác sàng lọc, Bộ Y tế đã phê chuẩn thực hiện Đề án SLTS và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số. Theo ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), cho biết: Từ tháng 1-2021, chi cục đã phối hợp với Trung tâm SLSS Bionet Việt Nam triển khai thực hiện sàng lọc cho trẻ sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện sớm 5 bệnh lý thường gặp ở trẻ, đó là các bệnh: thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, bệnh phenylketonuria PKU (gây rối loạn sự phát triển thể chất và tinh thần) và bệnh Galactosemia GAL (gây rối loạn chuyển hóa đường lactose).
 
Từ năm 2019 đến nay, đã triển khai sàng lọc thêm nhiều gói bệnh: gói 8 bệnh; gói 8 bệnh + bệnh Hemoglobin, gói 68 bệnh và gói sàng lọc cao cấp babygene… Chi phí cho một chương trình khám khá thấp, rất phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình, đồng thời sau khi khám sàng lọc, gia đình các bé còn được các tổ chức y tế hỗ trợ các bước cần thiết nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho con em mình.
 
Theo các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1-2% trẻ chào đời bị mắc các bệnh di truyền và rối loạn chuyển hóa. Các bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến trẻ bị chậm phát triển về tâm thần, vận động, thậm chí có thể bị tử vong.
 
Để SLSS, sau khi trẻ chào đời từ 48-72 giờ đồng hồ, cán bộ y tế sẽ lấy từ 3-5 giọt máu ở gót chân của trẻ. Mẫu máu này sẽ được gửi đi để phân tích rất nhiều các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa khác nhau. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh, cán bộ dân số cơ sở sẽ hướng dẫn người nhà đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám chuyên sâu và làm các xét nghiệm cần thiết để khẳng định bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
 
Với những ý nghĩa quan trọng nói trên, ngành DS đang tích cực xây dựng Đề án xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, huy động được các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế và các tổ chức phi Chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng để phục vụ nhân dân.
 
Mặt khác, đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với một số bệnh sàng lọc, chẩn đoán để người dân dễ dàng được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi về y tế liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng con người.
 
Từ khi triển khai đến nay, trung tâm y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn đã triển khai nhiều buổi truyền thông, tư vấn cho các tầng lớp nhân dân tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai về lợi ích của SLSS, những nguy cơ nếu không thực hiện SLSS và tư vấn về cách thức sinh hoạt, dùng thuốc chữa bệnh cho những trường hợp mắc bệnh được phát hiện qua sàng lọc…
 
Bác sỹ Trần Huy Bình, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, cho hay: Chương trình SLTS và SLSS đã được đơn vị triển khai từ 5 năm trước và mỗi năm tiêu chuẩn chương trình chỉ hạn chế được 500 suất khám sàng lọc. Bắt đầu từ đầu năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm SLSS Bionet Việt Nam triển khai thực hiện sàng lọc cho trẻ sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh; Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình là đơn vị ký kết phối hợp triển khai. Kết quả trong 3 tháng đầu năm, bệnh viện đã khám sàng lọc được cho trên 200 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp phát hiện mang bệnh liên quan đến Hemoglobin và 2 trường hợp bệnh thiếu men G6PD.
 
Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và ngành cấp trên, đồng thời phối hợp đồng bộ với các cấp, ngành để triển khai tốt chương trình SLSS theo cơ chế xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại các địa phương.
 
Hiền Phương