Hãy là những tuyên truyền viên trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

  • 08:19 | Thứ Năm, 28/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT), nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Từ việc tăng cường công tác TTKT về ATTP đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
 
Năm 2020, toàn tỉnh đã tiến hành TTKT và hậu kiểm 3.843 cơ sở sản xuất, kinh doanh
 Qua các đợt kiểm tra ATTP, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời những thực phẩm kém chất lượng nhằm bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Qua các đợt kiểm tra ATTP, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời những thực phẩm kém chất lượng nhằm bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng.
thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở vật tư nông-lâm-thủy sản. Qua đó, phát hiện 733 cơ sở không đạt, chiếm tỷ lệ 19,1%. Các ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 379 cơ sở vi phạm, thu phạt trên 460 triệu đồng và tiêu hủy nhiều mặt hàng kém chất lượng.
 
Các cơ quan chức năng còn đẩy mạnh công tác giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ đầu mối; đồng thời tăng cường việc kiểm nghiệm ATVSTP tại các chợ trung tâm. Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) và các đơn vị liên quan đã triển khai lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh 2.786 mẫu thực phẩm các loại; kết quả có 2.731 mẫu đạt yêu cầu, 55 mẫu không đạt (chủ yếu là các mẫu chả, bánh xèo, bánh lá, bánh đúc.. có sử dụng hàn the). Đối với các mẫu không đạt yêu cầu, đoàn kiểm tra đã kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định, đồng thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cho cộng đồng.
 
Các hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản bảo đảm chất lượng, ATVSTP và xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 12 điểm kinh doanh gồm một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn với 19 sản phẩm được chứng nhận. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm ATVSTP phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, trong đó: 2 cơ sở kinh doanh đáp ứng các yêu cầu về ATVSTP phục vụ tiêu thụ nội địa và 1 cơ sở thu mua đáp ứng các điều kiện về xuất khẩu thủy sản.
 
Các cơ quan chức năng còn cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 6 cơ sở, đưa tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam, hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) toàn tỉnh lên 43 cơ sở. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hoạt động này còn tạo sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa người nông dân và doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của nông dân toàn tỉnh được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Tỉnh còn hỗ trợ xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QRCode cho 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với gần 20 sản phẩm nông-lâm-thủy sản được gắn tem trước khi lưu thông ra thị trường, giúp cơ sở sản xuất quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu hàng hóa, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả và yên tâm khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở gắn tem truy xuất nguồn gốc cho khoảng 120 sản phẩm nông, thủy sản. Các sản phẩm có gắn tên truy xuất nguồn gốc được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
 
Điều đáng ghi nhận là các tổ chức đoàn thể, trường học trên địa bàn đã có sự vào cuộc mạnh mẽ trong triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm ATVSTP. Tiêu hiểu là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân với việc duy trì các mô hình về ATVSTP như: “Bếp ăn sạch”, “Phụ nữ nói không với túi nilon”, “Tổ phụ nữ dịch vụ ăn uống thực hiện vệ sinh ATVSTP”… 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh duy trì, phát triển mô hình “Xây dựng vườn rau của bé”, phấn đấu cung cấp tối thiểu 30-40% nguồn rau sạch tại chỗ phục vụ trẻ bán trú.
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Vào dịp cuối năm và đầu năm mới, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao. Và đây cũng là thời điểm dẫn đến nhiều nguy cơ mất ATTP do không ít số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết, lựa chọn, chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản thực phẩm đúng cách….
 
“Chúng tôi mong rằng, mỗi người tiêu dùng là một truyền viên trong công tác bảo đảm ATVSTP, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn cho các cơ quan chức năng để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân”-bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh.
 
Nh.V