Phòng chống HIV/AIDS:

Hướng các hoạt động đến mục tiêu 90-90-90

  • 16:57 | Thứ Bảy, 26/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng...
 
Tính từ ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1994 ở huyện Quảng Trạch, lũy tích đến nay, trên địa bàn tỉnh có 427 người nhiễm HIV, 374 người chuyển qua giai đoạn AIDS và đã có 131 bệnh nhân AIDS tử vong. Hiện tại, 128/151 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV/AIDS. Đáng lo ngại là đa số người nhiễm đang ở độ tuổi lao động (từ 21-39 tuổi). Hình thái lây nhiễm chủ yếu là qua đường tình dục.
 
Bác sỹ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết: Xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân là yếu tố quan trọng để công tác phòng, chống lây nhiễm HIV trên địa bàn đạt hiệu quả, ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đang triển khai tại địa phương. Qua đó, người dân được trang bị các kiến thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, lợi ích của xét nghiệm HIV và việc điều trị bằng thuốc ARV…
 Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn chú trọng đến việc vấn sức khỏe cho người có nhiễm HIV/AIDS và người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn chú trọng đến việc vấn sức khỏe cho người có nhiễm HIV/AIDS và người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đã góp phần làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS, giúp người nhiễm HIV/AIDS tự tin hòa nhập cộng đồng. Công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng nhân dân.
 
Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, tập trung vào việc định hướng cho người dân thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS; đồng thời phổ biến, giới thiệu đến người dân các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV như: can thiệp, giảm tác hại; chăm sóc hỗ trợ, điều trị; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi, nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế trong chăm sóc, điều trị kịp thời để ổn định sức khỏe.
 
Nhờ đó, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên. Nhiều tổ chức, đoàn thể ở các địa phương đã thành lập các câu lạc bộ phòng, chống với tệ nạn xã hội, góp phần làm giảm những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.
 
Hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) do Liên hợp quốc đưa ra, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các địa phương trong việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
 
Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 6 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng tại các địa phương để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tiếp cận những đối tượng có hành vi, nguy cơ lây nhiễm cao (người bán dâm, người nghiện chích ma túy, người quan hệ đồng giới) để vận động các đối tượng sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch và giới thiệu các dịch vụ y tế thân thiện trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm HIV.
 
Các hoạt động tư vấn, xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dự phòng phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp... được tập trung đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, 100% phụ nữ nhiễm HIV được điều trị ARV và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ tự nguyện tham gia xét nghiệm HIV và tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm.
 
Bên cạnh đó, ngành y tế còn tập trung đẩy mạnh công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 3 cơ sở (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế các huyện: Tuyên Hóa, Lệ Thủy). Qua hơn 6 năm triển khai mô hình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, toàn tỉnh đã có 173/200 người tham gia điều trị, đạt 86,5%.
 
Toàn tỉnh duy trì tốt hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm 100% bệnh nhân được tư vấn trước và sau khi xét nghiệm.
 
Thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90- 90- 90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS để nâng cao nhận thức của người dân về công tác này.
 
Ngành y tế mà vai trò chức năng là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, nâng cao chất lượng các chương trình hoạt động nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm tác hại…, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
 
Nh.V