.

Các quốc gia đẩy nhanh nỗ lực tiêm vaccine COVID-19

.
08:25, Thứ Ba, 03/08/2021 (GMT+7)
Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19.
Một lọ vaccine Pfizer tại Puerto Rico. Ảnh: AP
Một lọ vaccine Pfizer tại Puerto Rico. Ảnh: AP
Trong tháng 7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xuất hiện trên truyền hình và cảnh báo: “Nếu họ từ chối tiêm vaccine COVID-19, không nên cho họ ra khỏi nhà. Họ có thể nói rằng không có luật như vậy nhưng liệu tôi có nên đợi chờ về luật khi có nhiều người có thể chết vì COVID-19”.
 
Tờ Guardian (Anh) đánh giá hiện chưa rõ cảnh báo của Tổng thống Duterte có hợp pháp dựa trên pháp luật Philippines hay không nhưng điều này phản ánh vấn đề mà các chính phủ và chính khách trên khắp thế giới gặp phải: Quyết đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 cho dân chúng.
 
Trong bối cảnh nhiều khu vực ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt vì biến thể Delta, các chính phủ, tập đoàn, trường đại học trên khắp thế giới đã bắt đầu tăng cường khuyến khích tiêm chủng. Phản ứng về quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 hoặc “thẻ xanh” và “hộ chiếu vaccine” đã hình thành ở nhiều nơi.
 
Đan Mạch đi tiên phong trong “hộ chiếu vaccine” với ít kháng cự. Italy và Pháp cũng đề xuất biện pháp tương tự nhưng khiến hàng nghìn người dân đổ ra đường phản đối.
 
Tình trạng tăng cường thúc đẩy tiêm vaccine COVID-19 đang rõ nhất tại Mỹ khi Tổng thống Joe Biden vào ngày 29-7 nhấn mạnh về việc tiêm chủng hoặc có bằng chứng xét nghiệm COVID-19.
 
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói: “Hiện nay có quá nhiều người tử vong hoặc phải chứng kiến người thân của họ ra đi vì COVID-19. Vì vậy, hãy thực hiện trách nhiệm. Tiêm vaccine cho chính bạn, cho những người bạn yêu thương và vì đất nước”.
 
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố hàng loạt quy định mới yêu cầu nhân viên liên bang phải cung cấp bằng chứng đã tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm thường xuyên, bên cạnh đó là quy định bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế di chuyển.
 
Thủ tướng Australia Scott Morrison vào ngày 30-7 cũng tuyên bố những người dân nước này đã tiêm vaccine sẽ có “quy định đặc biệt” dành cho họ bởi đây là những cá nhân đem lại ít rủi ro về sức khỏe.
 
Các chuyên gia cho biết những nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy mạnh việc tiêm vaccine COVID-19 xuất phát từ nhiều yếu tố, không chỉ là sự gia tăng các ca mắc mới do biến thể Delta mà còn xuất phát từ thực trạng của một số quốc gia có chiến dịch tiêm chủng bị chững lại do tâm lý bài vaccine.
 
Điều này dẫn đến căng thẳng giữa nhóm lựa chọn tiêm vaccine COVID-19 với kỳ vọng cuộc sống bình thường sẽ trở lại và nhóm từ chối tiêm vaccine. Do vậy, những chính sách can thiệp được đề xuất.
Du khách đến tháp Eiffel tại Paris buộc phải xét nghiệm nếu không có bằng chứng đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AFP
Du khách đến tháp Eiffel tại Paris buộc phải xét nghiệm nếu không có bằng chứng đã tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AFP
Tại Pháp, có tới 5 triệu người tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên và 6 triệu người tiêm mũi thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố về “giấy thông hành y tế”. Theo đó, chỉ những người tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được tự do ra vào nhà hàng, các cơ sở văn hóa và thương mại cũng như vận tải đường dài. Trước đó, nhu cầu tiêm vaccine ở Pháp đã giảm trong nhiều tuần. Nhu cầu tiêm vaccine tại Italy cũng tăng tới 200% ở một số khu vực sau khi chính phủ công bố về “thẻ xanh”.
 
Tới nay, hầu hết các quốc gia đều hướng tới phương pháp cây gậy và củ cà rốt, tạo điều kiện để những người tiêm vaccine dễ tiếp cận một số cơ sở, du lịch, đến nơi làm việc…
 
Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến động viên người dân đi tiêm như chính phủ Séc vào ngày 30-7 đề nghị tăng 2 ngày nghỉ đối với nhân viên nhà nước đã tiêm vaccine COVID-19. Thủ tướng Séc Andrej Babis nêu rõ: “Mục đích là tăng tối đa việc tiêm vaccine. Nhiệm vụ chính là: tiêm chủng, tiêm chủng, tiêm chủng”.
 
Giáo sư Julian Savulescu tại Đại học Oxford (Anh) đã chỉ ra các điều kiện ông cho rằng cần thiết để ra quy định bắt buộc tiêm vaccine hoặc các sáng kiến khác. Ông Julian Savulescu nói: “Covid-19 đặc biệt bởi mang mức độ nghiêm trọng ở cấp độ toàn cầu. Dịch bệnh không chỉ gây tổn thất về mạng sống mà còn có những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, y tế và ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát dịch sẽ kéo dài trong tương lai. Dấu hiệu cho thấy việc cần thiết để tiêm chủng bắt buộc khi đáp ứng bốn điều kiện: có mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng; vaccine an toàn và hiệu quả; tiêm chủng bắt buộc có lợi ích vượt trội so với các biện pháp khác và mức độ ép buộc là cân xứng”.
 
Ông cũng kết luận: “Tốt hơn hết là mọi người tình nguyện lựa chọn dựa trên cơ sở lý do để hành động tốt thay vì bị ép buộc. Cơ cấu hình phạt và phần thưởng theo cách công bằng là biện pháp có thể giúp con người có lý do để hành động”.
 
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
 
,