Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vượt trên đỉnh lũ

  • 08:20 | Thứ Tư, 21/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)- Sáng ngày 20-10, khi những cơn mưa bắt đầu nhẹ hạt, chúng tôi nhanh chóng cơ động đến huyện Lệ Thủy-địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt. Ấn tượng ghi nhận mỗi nơi đi qua là biển nước trắng trời, hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước bạc. Ở những điểm cao như ngã ba Cam Liên, chợ Đôộng (xã Mai Thủy)…, hàng trăm phương tiện chuyên chở hàng cứu trợ từ Bắc, Trung, Nam hội tụ về giúp đỡ người dân Quảng Bình. Phía bến thuyền dã chiến lập nên, ca-nô, thuyền máy được huy động chuyển tiếp hàng đến với đồng bào vùng lũ. Hơn bao giờ hết, vào lúc này, vượt trên đỉnh lũ, trên mất mát… chỉ còn lại tình người neo đậu.
 
Ở tâm lụt Sơn Thủy
 
Ông Võ Văn Thông, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Sơn Thủy lội nước bạc ra cánh đồng trắng mênh mông nước chỉ cho tôi vị trí thôn Vinh Quang, “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy ngậm ngùi: “Còn chi nữa mô, Vinh Quang như một ốc đảo bị cô lập giữa bốn bề biển nước. Chỉ có ca-nô công suất lớn của bộ đội, công an mới tiếp cận hỗ trợ cho bà con lương thực, thực phẩm, nước uống tạm cầm cự chờ nước rút. Chứ đò nhỏ không thể vào Vinh Quang được. Toàn thôn Vinh Quang hiện có gần 180 hộ dân, không một nhà nào là không bị ngập”. 
Người dân  "rốn lũ " Sơn Thủy bỏ hết tài sản  "chạy lũ " lên Trường TH của xã
Người dân "rốn lũ" Sơn Thủy bỏ hết tài sản "chạy lũ" lên Trường TH của xã
Xã Sơn Thủy có 2.100 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ nhà bị ngập hoàn toàn tập trung tại các thôn Vinh Quang, Ngô Bắc, Mỹ Hòa, Ngô Xá, Lai Xá, Hoàng Đàm… “Nước ngập lên nóc, người dân chấp nhận bỏ của chạy lấy người!”- ông Võ Văn Thông cho biết.
 Điểm trung chuyển hàng hóa cứu trợ tại chợ Đôộng xã Mai Thủy
Điểm trung chuyển hàng hóa cứu trợ tại chợ Đôộng xã Mai Thủy
Người dân tâm lụt Sơn Thủy “chạy lụt” lên trú tại Trường TH Sơn Thủy sát đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Hoàng Trung Lộc, điểm cao nhất xã. Tại đây, bà con nhận được sự cưu mang, giúp đỡ từ các đoàn thiện nguyện và nhân dân các vùng lân cận theo tinh thần tương thân, tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ca-no của lực lượng bộ đội biên phòng nhận hàng chuẩn bị cấp phát cho bà con vùng lũ
Ca-no của lực lượng bộ đội biên phòng nhận hàng chuẩn bị cấp phát cho bà con vùng lũ
Cụ Ngô Văn Cán ở thôn Ngô Bắc thẫn thờ nhận suất ăn do đoàn thiện nguyện từ TP. Đồng Hới đưa lên, kể rằng: “Hai vợ chồng với đứa cháu nội ngồi trên tra nhà rồi, nhưng nước lên nhanh, sóng gió to quá nên phải dỡ ngói chui ra kêu cứu. Thuyền cứu hộ vớt hai bà cháu, còn bản thân ông lội vào bờ. Giờ ông thành người tay trắng. May mấy cô chú trên này cho áo quần mặc và tấm chăn để đắp. Hiện giờ ông vẫn đang còn lạc bà và đứa cháu”.
 Áo phao, thức ăn nhanh, nước uống là những mặt hàng ưu tiên phân phát gấp cho đồng bào vùng ngập nặng
Áo phao, thức ăn nhanh, nước uống là những mặt hàng ưu tiên phân phát gấp cho đồng bào vùng ngập nặng
Tương tự như cụ Ngô Văn Cán, anh Nguyễn Hữu Duật xót xa: “Nhà tôi xây rất kiên cố, gia đình gồm 6 người. Nước lên nhanh, sóng đánh sập một phần tường nhà, thế là bỏ lại tất cả tài sản dắt nhau chạy lụt. Tài sản thiệt hại ước tính trên 300 triệu đồng”.
 
Nghĩa tình nơi tâm lụt
 
Ngoài hàng trăm đoàn cứu trợ trong và ngoài tỉnh đến giúp đỡ đồng bào Quảng Bình thì ngay thời điểm lũ lụt vượt đỉnh, người dân Lệ Thủy vẫn được chia sẻ từng nắm cơm, chiếc bánh mì, phong lương khô, chai nước để cầm cự trên đỉnh lũ.
 Bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho và người dân bản Chuôn, xã Kim Thủy chuẩn bị nấu cơm hỗ trợ bà con miền xuôi
Bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho và người dân bản Chuôn, xã Kim Thủy chuẩn bị nấu cơm hỗ trợ bà con miền xuôi
Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được tình người nhân lên gấp bội lần như thế, đã và đang tiếp nối một mạch dài trên đỉnh lũ, trong tâm lụt.
 
Mệ Trần Thị Láng, thôn Thạch Bàn (xã Phú Thủy) thấy vùng dưới nước mênh mông, xót xa lắm. Mấy ngày nay, mệ chạy ngược chạy xuôi vừa tham gia nấu cơm tặng bà con vùng lũ, vừa ngóng tin gia đình đứa con gái đang sinh sống tại xã Lộc Thủy.
 
“Mệ góp gạo, bắt 3 con vịt tặng cho bếp cơm từ thiện. Giúp đồng bào vùng lũ, có khi nắm cơm nghĩa tình ni, con gái đang trốn lụt ở mô đó ăn được cũng nên”.
 
Nơi bến trung chuyển hàng hóa chợ Đôộng, hình ảnh mệ Láng đội mưa, lội nước bạc, ôm theo một thùng cơm gửi vào vùng lũ lụt khiến ai cũng nao nao lòng.
Mệ Trần Thị Láng, thôn Thạch Bàn (xã Phú Thủy) và thùng cơm đưa tặng bà con vùng lũ lụt tại điểm trung chuyển hàng hóa chợ Đôộng
Mệ Trần Thị Láng, thôn Thạch Bàn (xã Phú Thủy) và thùng cơm đưa tặng bà con vùng lũ lụt tại điểm trung chuyển hàng hóa chợ Đôộng
Bắt đầu từ sáng ngày 19-10, tại TDP Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh, địa phương ít bị ảnh hưởng do lũ lụt đã hình thành nên mô hình “Bếp yêu thương” của chị em phụ nữ trong TDP. Thông qua mạng xã hội, “Bếp yêu thương” nhận được số tiền gần 250 triệu đồng gửi về. Chị em người góp gạo, người góp công đỏ lửa nấu cơm chi viện nhân dân vùng dưới.
 
Để mỗi suất cơm nhanh đến tay người dân bị “lũ ráp, lũ vây”, “Bếp tình thương” phối hợp với CLB khởi nghiệp Lệ Thủy, huy động 4 chiếc bơ nan của trai biển Ngư Thủy tăng cường vào. Trong 2 ngày qua, hơn 3.000 suất cơm từ “Bếp yêu thương” được ca-no, đò, bơ nan chuyển đến các xã Sơn Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, Mỹ Thủy… làm ấm lòng bà con vùng lũ.
"Bếp yêu thương" của chị em phụ nữ TDP Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh chuẩn bị bữa cơm cho đồng bào ngập lụt
Tại điểm trung chuyển hàng hóa chợ Đôộng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ người dân tộc Vân Kiều cùng các chị phụ nữ người Kinh ở bản Chuôn (xã Kim Thủy) và bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho thuê xe đưa cơm về nhờ các lực lượng chức năng chuyển cho miền xuôi. 150 suất cơm được các chị nâng niu che chắn từng hạt mưa chuyển xuống đò… ánh mắt trìu mến nhìn theo những con đò mất hút giữa nước bạc mênh mông. 
 
Nghĩa đồng bào là vậy… Hơn bao giờ hết vượt trên đỉnh lũ, vượt trên mất mát, chỉ còn lại tình người neo đậu. 
Thanh Long