Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giao thông đường bộ

  • 06:07 | Thứ Năm, 13/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới của ngành Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.
 
Phó Giám đốc Sở GTVT Hoàng Đăng Cương cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể… ngành GTVT đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt đã góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cũng cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc cần kịp thời được tháo gỡ để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.
 
Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB): Do lịch sử để lại, phần lớn đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) của nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, trong đó gồm cả hệ thống các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện… đều đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
 
Vì vậy, nhiều đoạn tuyến tồn tại các công trình dân dụng, nhà ở của nhân dân xây dựng trong HLATĐB, cá biệt ở một số đoạn tuyến đông dân cư, nhà ở của người dân bám sát mặt đường. Do không có nguồn vốn cho việc bồi thường, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng nên chưa có điều kiện để thực hiện. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì vậy việc xử lý, cưỡng chế của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đối với tình trạng xây dựng trái phép trong HLATĐB gặp rất nhiều khó khăn.
Tuyến Quốc lộ 12A có nhiều đèo dốc quanh co và mặt đường hẹp nên lực lượng Cảnh sát giao thông phải thường xuyên tuần tra để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tuyến Quốc lộ 12A có nhiều đèo dốc quanh co và mặt đường hẹp nên lực lượng Cảnh sát giao thông phải thường xuyên tuần tra để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Mặc dù tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa ở các trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ khá nhanh đi kèm theo đó là sự gia tăng về số lượng phương tiện giao thông đã dẫn đến tình trạng KCHTGTĐB có nhiều bất cập, hạn chế, như: Ùn tắc tại một số nút giao thông đô thị trong giờ cao điểm; một số vị trí cầu vượt sông trên Quốc lộ 1 chưa mở rộng, như: Cầu Gianh, Quán Hàu thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông khi có TNGT.
 
Một số tuyến quốc lộ quan trọng khu vực miền núi cũng đã trở nên quá tải do lưu lượng phương tiện hạng nặng gia tăng trong khi nền, mặt đường chưa có điều kiện để mở rộng, nhiều đèo dốc quanh co... nên thường xuyên gây ra TNGT; một số tuyến đường xuống cấp gây ra nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời hoặc được đầu tư sửa chữa “chắp vá” dẫn đến tình trạng tiếp tục xuống cấp trong thời gian ngắn.
 
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dưới dạng xe tour gây mất công bằng trong kinh doanh vận tải, mất TTATGT trên địa bàn chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội.
 
Trong lĩnh vực tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý vi phạm thiếu về số lượng, trong khi địa bàn trải rộng dẫn đến khó kiểm soát. Cùng đó, kinh phí phục vụ cho hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ còn hạn chế; phương tiện và công cụ hỗ trợ công tác tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm chưa được trang bị đầy đủ...
 
Trên cơ sở đánh giá đúng về nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nói trên, ông Hoàng Đăng Cương cho biết, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung vào việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Qua đó, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
 
Cùng đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý HLATĐB. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
 
Thực hiện đồng bộ trong xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng thi công các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng KCHTGTĐB; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT, chống ùn tắc giao thông tại các công trình vừa thi công vừa khai thác; tổ chức lại giao thông gắn với việc bảo vệ KCHTGTĐB, nhất là HLATĐB; không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
 
Trong điều kiện địa hình, khí hậu hết sức phức tạp, hệ thống KCHTGTĐB của tỉnh chịu ảnh hưởng thường xuyên của bão lụt, gây hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, hàng năm kinh phí bố trí cho đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng từ 40-45% so với định mức yêu cầu.

Đi liền với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì KCHTGTĐB; nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp, đồng bộ; thẩm định ATGT các tuyến đường tỉnh và đường huyện; bổ sung đầy đủ hệ thống hộ lan, cọc tiêu, biển báo và các đoạn lánh nạn đối với đường đèo dốc, miền núi; thường xuyên rà soát và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, vị trí mất ATGT trên mạng lưới đường bộ và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và giảm giá cước vận tải; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Đặc biệt, khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
 
Bên cạnh đó, Sở GTVT tăng cường phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Trong đó, chú trọng các giải pháp ngăn chặn vi phạm từ gốc, kiểm soát phương tiện từ khâu xếp hàng hóa lên xe, kiểm tra việc cam kết về xếp hàng, vận chuyển đúng tải trọng phương tiện; tăng cường sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe, xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan, người thực thi công vụ; kiểm soát về kích thước thành, thùng xe; giám sát và xử phạt nghiêm việc sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Thành Quảng

tin liên quan

Tiêu hủy thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng QLTT vừa tổ chức giám sát các đối tượng vi phạm thực hiện việc tiêu hủy 460 đơn vị sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn.

Phát hiện khoảng 3 tấn sản phẩm gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

(QBĐT) - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Cục QLTT Quảng Bình phát hiện xưởng sơ chế thực phẩm có chứa khoảng 3 tấn sản phẩm gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khởi tố đối tượng trốn thuế gần 7 tỷ đồng

(QBĐT) - Ngày 11/6 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phá thành công chuyên án 1223T, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với T.T.Ng. (SN 1982, trú tại thôn Phúc Tự Tây, xã Đại Trạch, Bố Trạch) về tội trốn thuế, quy định tại khoản 3, Điều 200, Bộ luật Hình sự.