Chuyện vụ án: Giữ mình…
(QBĐT) - Lẽ thường, nói đến hành vi tham ô tài sản, người ta thường nghĩ đến những đối tượng có chức vụ, quyền hạn. Thế nhưng, những bị cáo trong các vụ án dưới đây, vốn chỉ là những người lao động bình thường. Một người là công nhân lái máy lu công trình, một là nhân viên bán xăng dầu.
1. Cho đến ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Dương không nghĩ rằng hành vi bán 90 lít xăng dầu thừa trong chiếc xe lu rung mà mình được giao quản lý lại khiến y can tội “tham ô tài sản”. Dương chỉ biết, công việc được giao khoán trong ca làm việc ngày hôm đó, mình đã hoàn thành. Số dầu thừa còn lại là do quá trình vận hành máy, Dương đã tiết kiệm được. Nhận quyết định hình phạt 18 tháng tù của tòa sơ thẩm, Dương tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt.
Chiều hôm đó, sau khi xong ca làm, Dương điều khiển xe lu rung đưa về nơi tập kết xe máy công trình và trở về lán để nghỉ ngơi. Kiểm tra máy, Dương thấy số dầu còn lại khá nhiều, nếu bán đi chắc cũng chẳng ai biết. Sau cuộc điện thoại liên hệ người mua, thông báo vị trí, biển số xe, một người mang theo can đến để “rút ruột” dầu máy. Chỉ một lúc, 3 chiếc can đựng đầy dầu được nhanh chóng đưa ra khỏi công trường và mang đi tiêu thụ. Vài ngày sau, Dương nhận được khoản tiền 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sự việc sau đã bị công ty phát hiện và báo cho cơ quan chức năng.
Dương kể, số tiền bán dầu đó cũng chẳng là bao. Nếu bị phát hiện, quá lắm công ty xử phạt là cùng. Dương không hề nghĩ hành vi của mình sẽ phạm tội “tham ô tài sản”. Bởi, để thực hiện hành vi phạm tội đó phải là người có chức vụ, quyền hạn, chứ với một công nhân lái máy công trình, trong tay không có quyền hạn gì, thì làm sao có thể tham ô. Nhưng không, tài sản của tập thể, dù đó là của nhà nước hay của bất kỳ tổ chức nào, nếu người được giao nhiệm vụ lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm có “lòng riêng”, thu lợi cá nhân bất hợp pháp đều phạm tội tham ô tài sản, hội đồng xét xử (HĐXX) đã giải thích như vậy với Dương tại phiên tòa.
Tốt nghiệp trung học cơ sở được một thời gian, Dương lựa chọn con đường học nghề lái máy công trình để mưu sinh. Sau gần 3 tháng học nghề lái máy công trình, Dương cầm tấm bằng đi khắp nơi để xin việc làm. Nhưng giữa thời buổi “người khôn của khó”, không dễ dàng tìm được việc làm ổn định. Cứ như vậy, Dương nhảy việc hết nơi này đến nơi khác. Thôi thì, tuổi trẻ, đi đây đi đó cũng là một cách trải nghiệm, miễn sao sống tốt. Thế nhưng, chân ướt chân ráo ra với “đời”, chưa được bao lâu, năm 2009, Dương bị tòa án của một tỉnh phía Nam phạt 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Ra tù, được xóa án tích, những tưởng Dương sẽ lấy đó làm bài học cho mình. Khoảng năm 2021, Dương về quê và xin vào làm việc cho một công ty trên địa bàn tỉnh. Sau một thời gian thử thách, Dương được ký hợp đồng lao động, với mức “lương cứng” 8 triệu đồng/tháng. Cuộc sống, thu nhập với một chàng thanh niên trẻ được như vậy gọi là ổn định. “Làm việc gần nhà bằng 3 bậc lương”, ông bà xưa đã từng nói như vậy.
Nói như cha mẹ của Dương: “Về nhà có tiếng cha, lời mẹ cũng sẽ hơn cái cảnh lêu bêu, lông bông bên ngoài, không ai nhắc nhở, kèm cặp, rồi thì có đồng nào xào đồng nấy, lại sinh sự. Thói đời, làm gì có chuyện không có làm mà có “ăn”. Càng không có chuyện, lấy của người để làm của riêng phục vụ cho tiêu xài cá nhân được. Nếu nó biết “sửa mình”, thì giờ không đến nỗi phải mất “cả chì lẫn chài” như thế này được”.
2. Nhận mức án 4 năm tù về tội “tham ô tài sản”, giờ đây, điều khiến Chính ân hận nhất là tình cảm gia đình và ân nhân đã cưu mang, giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, bế tắc. Gia đình Chính vốn rất khó khăn. Là con trai cả, khi thấy con chăm chỉ học tập, cha mẹ Chính đã sớm hôm vất vả để chăm chút cho con được học hành “đến nơi đến chốn”. Chính có bằng cao đẳng công nghệ thông tin. Ra trường, sau nhiều năm long đong, lận đận tìm việc làm ở miền Nam, Chính quyết định trở về quê.
Người chủ cửa hàng nơi Chính làm việc vốn là chỗ thân thiết với gia đình Chính. Thấy hoàn cảnh gia đình của Chính vất vả, bản thân Chính cũng hiền lành, nên ông cũng muốn giúp đỡ, bằng cách nhận Chính vào làm việc. Thế nhưng, trong quá trình làm việc tại đây, lợi dụng sự tin tưởng của chủ cửa hàng, Chính đã có 2 lần chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 37,5 triệu đồng, sau đó trốn đi khỏi địa phương. Chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc, Chính mới tự giác về đầu thú và thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
“Lúc đó, em chỉ nghĩ, “mượn” của cửa hàng một vài ngày rồi có tiền em sẽ trả lại. Thế nhưng, mấy lần chơi đánh cờ qua mạng internet xui quá, em chỉ toàn thua nên mới xảy ra cơ sự như ngày hôm nay. Em biết, em đã sai, vì đã phản bội lại sự tin tưởng của chú. Em biết chú rất giận, vì đã xử sự không đúng với người mà em đã mang ơn”, Chính đã chia sẻ với tôi như thế.
Trong câu chuyện với Chính, rất nhiều lần Chính thốt ra từ giá như… Giá như, Chính ứng xử có lý có tình và thành thật với ân nhân, người đã cho mình một công việc để mưu sinh. Giá như, bản thân và gia đình có điều kiện hơn 1 chút, thì chỉ với số tiền Chính đã chiếm đoạt của cửa hàng đó, Chính sẽ không phải ra tòa vì tội “tham ô tài sản”, như hôm nay. Chính không trách ai cả, mà chỉ trách bản thân mình. Giờ đây, không chỉ Chính bị vướng vào vòng lao lý, mà gia đình lại càng lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong số hơn 37,5 triệu đồng, cha mẹ Chính đã gom góp, vay mượn khắp nơi mà cũng chỉ hơn 13 triệu đồng. Ngày ra tòa, khoản tiền Chính chiếm đoạt vẫn còn hơn 24 triệu đồng chưa hoàn trả cho cửa hàng của ân nhân. Trước khi phiên tòa diễn ra, người chủ cửa hàng xăng dầu cũng đã có đơn xin giảm nhẹ tội cho Chính. “Không biết rồi đây, gia đình nó lấy gì để trả nợ cho cửa hàng. Tôi biết số tiền đó với gia đình nó là rất lớn. Nhưng biết làm sao được, ân tình là cuộc sống, còn công việc vẫn phải công việc”, người ân nhân của Chính kể.
Hai con người trong 2 vụ việc nói trên, họ còn trẻ và rất trẻ. Những án phạt dành cho họ chính là sự trả giá. Chỉ là họ không biết quý trọng những gì đang có để gìn giữ bản thân. Và, họ có thể bao biện cho mình với rất nhiều lý do, nhưng chẳng ai có thể giúp đỡ nếu họ tự đánh mất chính mình.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.