Nỗ lực rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
(QBĐT) - Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước” và “Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận”. Quán triệt chủ trương của Đảng, nhiệm vụ của Chính phủ giao, năm 2023, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), góp phần trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Đối với văn bản của Trung ương, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các văn bản của Trung ương còn hiệu lực thi hành để phát hiện các nội dung, quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo sơ hở cho tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục, yêu cầu không cần thiết, bảo đảm hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Trên cơ sở rà soát của các sở, ngành, địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị 50 nhóm vấn đề còn vướng mắc, bất cập, chồng chéo từ văn bản QPPL của Trung ương liên quan đến các lĩnh vực: Xử lý vi phạm hành chính, đấu giá tài sản, hộ tịch, bảo vệ môi trường, đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác.
Đối với văn bản do địa phương ban hành, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và theo yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền.
Theo đó, năm 2023, đã tổ chức rà soát các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đang còn hiệu lực thi hành để phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hoặc không còn phù hợp với văn bản QPPL cấp trên, không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị các sở, ngành tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, nhằm đưa hệ thống văn bản QPPL của tỉnh đồng bộ, thống nhất, khả thi, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.
Kết quả, năm 2023, đã tổ chức rà soát đối với 113 văn bản QPPL của địa phương trong các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông; văn hóa và thể thao; giá, công sản và quản lý ngân sách; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tư pháp; liên quan đến việc triển khai Luật Giao dịch điện tử; triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và Đề án 06.
Qua rà soát đã kịp thời kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế đối với 16 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực, quy định không rõ ràng, thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xử lý đối với 4 văn bản theo kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp.
Từ tình hình và kết quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL cho thấy, công tác rà soát, xử lý văn bản QPPL ngày càng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương; đã có sự đầu tư thỏa đáng cho nhiệm vụ này. Sở Tư pháp đã phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về văn bản. Các sở, ngành ngày càng quan tâm, chủ động, nỗ lực trong thực hiện rà soát, kiến nghị và tham mưu xử lý văn bản QPPL thuộc trách nhiệm được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức thi hành pháp luật, rà soát, xử lý văn bản QPPL vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống; các điều kiện thi hành pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp. Những hạn chế, bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi còn chưa nghiêm; hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật chưa thực sự gắn kết; đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, năng lực chưa tương xứng với yêu cầu; nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, hoàn thiện thể chế được xem là một trong ba đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cải cách thể chế là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính được đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, công tác rà soát, kiến nghị, xử lý văn bản QPPL cần được tiếp tục chú trọng, thực hiện đồng bộ, toàn diện trên một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thống nhất nhận thức trong các cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách để đề xuất việc hoàn thiện pháp luật. Hoàn thiện pháp luật phải đặt trong tổng thể của cả hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ pháp luật thấp. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, tổ chức thi hành đầy đủ, toàn diện các văn bản QPPL của Trung ương và địa phương. Chủ động thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thi hành pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, thường xuyên rà soát, bổ sung, đào tạo bổ sung, góp phần nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, pháp chế; quan tâm đầu tư thỏa đáng về kinh phí, các điều kiện bảo đảm, cần thiết phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung và nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL nói riêng.
Trà Đình Huân
(Sở Tư pháp)