Nhìn lại phiên tòa "Chuyến bay giải cứu" - Công lý được chứng minh
Việc nhận tội của Hoàng Văn Hưng cho thấy việc xét xử được tiến hành một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu áp lực từ mạng xã hội cũng như dư luận xung quanh.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Chuyến bay giải cứu” vừa kết thúc với bản án giảm nhẹ hình phạt cho 17 bị cáo trong tổng số 21 bị cáo kháng cáo.
Những diễn biến trước và trong 2 ngày xét xử phúc thẩm đã giúp cho dư luận xã hội nhận ra được sự thật mà trước đó bị che mờ bởi những lời ngụy biện bóng bẩy, bằng sự đánh tráo khái niệm trong khai báo tại phiên tòa...
Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy việc điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng trong vụ án này là khách quan, công minh và độc lập, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Thách đố cơ quan tố tụng
Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu,” Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an) bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cáo buộc cùng Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nhận 2,6 triệu USD để "chạy án" cho Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky). Trong đó, Hưng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” Tuấn bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ,” Sơn và Hằng bị truy tố về tội “Đưa hối lộ.”
Suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội.
Luật sư của Hưng đề nghị tòa trả tự do cho thân chủ hoặc hồ sơ để điều tra lại.
Hoàng Văn Hưng cho rằng mình "bị oan" và việc buộc tội mà “không có bất kỳ một chứng cứ nào, chỉ dựa vào một lời khai một chiều, duy nhất. Lời khai này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí là không đúng sự thật mà cơ quan tố tụng không kiểm chứng.”
Hưng đưa ra các lý do như: Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát thu thập chứng cứ một chiều; lời khai của Hằng, Tuấn là không khách quan; không cho bị cáo giải trình, làm việc trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam; bị cáo có nhận một chiếc cặp do Tuấn gửi đến nhưng trong chiếc cặp chỉ có 4 chai rượu vang...
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hưng còn đề nghị Viện kiểm sát làm rõ mâu thuẫn “về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu?”
Hưng đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?
Đối với số tiền 800.000 USD bị cáo buộc lừa đảo, Hưng liên tục đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh cụ thể từng lần “đưa nhận tiền như thế nào, ở đâu, đưa vào ngày, giờ nào..."
Giải thích về việc chỉ trong một thời gian ngắn khi vụ án chuyến bay giải cứu bị điều tra, list điện thoại giữa Hưng và Tuấn có đến 400 cuộc gọi, Hưng cho rằng: "Dù không làm ăn chung nhưng bị cáo và anh Tuấn có nhiều liên hệ giải quyết công việc."
Hưng nói trong 400 cuộc gọi ấy, có nhiều cuộc gọi lỡ chứ không phải tất cả đều kết nối và cho rằng kiểm sát viên áp đặt cho Hưng.
"Bị cáo khẳng định ngoài liên quan đến Hằng, thời gian này bị cáo cùng Tuấn còn rất nhiều việc khác," Hưng lớn giọng.
Hoàng Văn Hưng tiếp tục cao giọng bày tỏ tiếc nuối khi mình bị khởi tố mà không được giải thích điều gì.
“Căn cứ chứng cứ xác định cặp đấy là tiền, bao nhiêu tiền đều không có. Bị cáo khẳng định trong phiên tòa này chỉ cần viện kiểm sát đưa ra một chứng cứ thì bị cáo sẽ nhận tội," Hưng vừa nói vừa vung cao tay ngay tại bục khai báo.
Thậm chí, khi nói lời sau cùng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng còn trình bày "hy sinh cả mạng sống để kêu oan."
Trong thời gian diễn ra phiên xử sơ thẩm vụ án này, trên mạng xã hội, nhiều luồng dư luận cho rằng Hoàng Văn Hưng bị oan, phân tích trường hợp của Hưng cần được áp dụng theo “nguyên tắc suy đoán vô tội,” nêu giả định Hưng bị ép nhận tội và thậm chí có không ít ý kiến theo “thuyết âm mưu” cho rằng có một sự “thỏa thuận ngầm” nào đó...
Chưa kể, một số người chỉ nghe lời khai của Hưng đã vội vàng tung hô bị cáo như là “anh hùng,” coi là “thần tượng”...
Áp lực bên trong và sức ép dư luận xã hội bên ngoài phiên tòa khiến thông tin liên quan đến phiên tòa luôn là chủ đề thảo luận sôi nổi ở khắp mọi nơi, từ công sở đến quán trà đá vỉa hè.
Tuy nhiên áp lực này đã không làm các cơ quan tố tụng nao núng, bản án sơ thẩm đã nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Hoàng Văn Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở, đúng pháp luật và không oan.
Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án phạt bị cáo Hưng mức án tù chung thân về tội danh này, cao hơn mức đề nghị từ 19-20 năm tù trước đó của Viện Kiểm sát.
Thú tội trước phiên xử
Trước phiên tòa phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu (mở ngày 25/12/2023), cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ có đơn xin nhận tội và nộp lại 18,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, bị cáo Hưng cũng có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử vẫn yêu cầu Hưng đến phiên tòa phúc thẩm và trình bày lý do khai nhận tội để xác định nhận thức, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình.
Trình bày tại tòa, Hưng cho biết sau phiên sơ thẩm đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và kêu oan.
Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, đến ngày 28/11/2023, Hưng thay đổi nhận thức và có đơn gửi tòa án xin thay đổi nội dung kháng cáo.
Hưng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm nêu và nộp lại số tiền 18,8 tỷ đồng bị Tòa cấp sơ thẩm cáo buộc lừa chạy án.
Hưng xin Viện kiểm sát, Hội đồng Xét xử đánh giá lại toàn bộ nội dung vụ án, có cái nhìn thấu đáo và đưa ra phán quyết hợp tình hợp lý, cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Hoàng Văn Hưng tỏ ra hối hận, khẳng định bản thân từng là đảng viên, cán bộ công an nên để xảy ra sai phạm là "rất đáng tiếc và đau lòng."
"Bị cáo cảm thấy có lỗi, bị cáo tôn trọng và chấp hành mọi phán quyết của tòa phúc thẩm," cựu điều tra viên nói.
Trình bày lời nói sau cùng tại phiên tòa, Hoàng Văn Hưng cho hay đến thời điểm này, với tất cả những gì đã diễn ra, bị cáo rất hối hận về những sai lầm của bản thân.
"Bị cáo đã ấp ủ niềm tin với bố mẹ, những người tin tưởng mình, nhưng chính bị cáo đã đánh mất niềm tin với mọi người, bị cáo mong được tha thứ," Hưng bày tỏ.
Tòa cấp phúc thẩm xác định việc Hưng thay đổi nội dung kháng cáo xin nhận tội và cùng gia đình nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ mới và quyết định giảm án cho bị cáo Hưng từ án tù chung thân xuống còn 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Quay đầu là bờ
Việc bất ngờ nhận tội của Hoàng Văn Hưng ngay trước thềm phiên tòa phúc thẩm là lời xác nhận rõ ràng nhất về tính chính xác trong nhận định hành vi phạm tội của Tòa cấp sơ thẩm.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hưng đều xác nhận không có mâu thuẫn gì với các Tuấn và Hằng, nên Tuấn và Hằng khó có thể khai “dựng chuyện” cho Hưng.
Mặt khác, lời khai của Tuấn và Hằng có những thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án; nếu Hưng không nói, Tuấn, Hằng, Sơn không thể biết.
Lời khai của Hằng, Tuấn, Sơn là phù hợp nhau. Họ bị bắt ở các thời điểm khác nhau, nơi giam giữ khác nhau, điều tra viên lấy lời khai khác nhau nhưng cả 3 người này đều khai phù hợp về diễn biến vai trò của Hưng trong vụ án.
Việc Hưng đưa ra ý kiến cho rằng lời khai của Tuấn, Hằng và Sơn không khách quan, việc bị cáo không được trình bày ý kiến (trong khi thực tế Hưng từ chối cung cấp thông tin, từ chối quyền tự bào chữa)... bị Tòa cấp sơ thẩm xác định là Hưng đã ngụy biện và đánh tráo khái niệm, đổ lỗi cho các cơ quan tố tụng.
Ngay cả với chiếc vali đựng tài liệu, Hưng cũng chối, không thừa nhận đã nhận chiếc vali này. Cho tới khi đối chất với Tuấn, Hằng, thì Hưng mới thừa nhận đến sự tồn tại của chiếc vali nói trên...
Từ các lời khai, kết quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm và những chứng cứ thu thập được, Tòa cấp sơ thẩm đã xác định Hoàng Văn Hưng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Bản án sơ thẩm đã phân tích đánh giá đúng tính chất mức độ phạm tội của bị cáo, xem xét toàn diện các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội và đưa ra mức án nghiêm khắc để cảnh cáo, răn đe cho thái độ khai báo thiếu thành khẩn của bị cáo Hưng.
Vì vậy, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Hoàng Văn Hưng biết không thể chối cãi được hành vi phạm tội của mình nên đã nhận tội và xin nộp tiền khắc phục hậu quả để mong xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Và trên thực tế, hành động này của Hưng đã được Tòa cấp phúc thẩm cân nhắc và quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đây cũng là bài học cho các bị cáo và những người phạm tội khác biết “quay đầu là bờ,” phải biết ăn năn hối cải... mới có thể nhận được khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ “Chuyến bay giải cứu,” các bị cáo như: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế), Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)... được Tòa cân nhắc giảm nhẹ hình phạt sau khi có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả.
Những mức án thuyết phục này không chỉ mang tính giáo dục, răn đe mà còn được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Việc nhận tội này của Hoàng Văn Hưng đã đập tan mọi suy diễn, mọi suy luận vô căn cứ cho rằng Hưng bị oan, bị ép nhận tội... Điều đó cho thấy việc xét xử được tiến hành một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu áp lực từ mạng xã hội cũng như dư luận xung quanh.
Đây chính là kết quả của công tác cải cách tư pháp, đề cao tính tranh tụng, tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, mọi phán quyết đều phải dựa trên cơ sở đánh giá khách quan toàn diện các chứng cứ, các lời khai từ nhiều phía...
Nhờ đó, tính đúng đắn của những nhận định, kết luận của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa cấp sơ thẩm đã được xác nhận, công lý đã được chứng minh, sự thật khách quan đã được khẳng định.
Theo Vietnam+