Chỉ vì miếng đất...

  • 10:46 | Thứ Sáu, 10/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bậc sinh thành mất đi, tài sản để lại chưa kịp di chúc cho các con. Quá trình sử dụng mảnh đất hương hỏa, giữa những người con phát sinh mâu thuẫn không thể dung hòa. Tòa án phân xử, sẽ có người được, người mất. Nhưng cái mất lớn nhất… là tình cảm anh em ruột thịt không còn nguyên vẹn.
 
Ông bà Nguyễn Duy, Nguyễn Thị Nhung quê quán xã Phú Trạch (nay thuộc xã Hải Phú), huyện Bố Trạch có 3 người con, gồm: Nguyễn Duy Tâm, Nguyễn Thị Nhân, Nguyễn Duy Đức. Năm 2002, ông bà lần lượt qua đời, tài sản để lại gồm một ngôi nhà cấp bốn xây trên khoảnh đất 1.872m2 thuộc thửa đất số 548, tờ bản đồ số 3, được UBND huyện Bố Trạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số K2418xx.
 
Trong 3 người con của cụ Nguyễn Duy, ông Nguyễn Duy Tâm thoát ly định cư ở xa. Bà Nguyễn Thị Nhân đi lấy chồng, thỉnh thoảng mới quay về nhà bố mẹ đẻ dọn dẹp, hương khói. Ông Nguyễn Duy Đức kết hôn với bà Phạm Thị Thái vào năm 2011, đến năm 2014 thì chuyển về sinh sống trong ngôi nhà cụ Nguyễn Duy để lại.
 
Năm 2014, căn cứ vào văn bản phân chia tài sản thừa kế do ông Nguyễn Duy Đức xác lập, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch (cũ) ký chứng thực với nội dung: Ông Nguyễn Duy Tâm, bà Nguyễn Thị Nhung thỏa thuận để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho ông Nguyễn Duy Đức. Từ đó, UBND huyện Bố Trạch cấp GCNQSDĐ số BY9674xx ngày 5-3-2015 cho ông Đức.
 
Năm 2017, bà Phạm Thị Thái đang lao động tại nước ngoài, lúc này ông Nguyễn Duy Đức ốm nặng điều trị tại Hà Nội. Thời điểm đó, giữa ông Đức và bà Nhân không biết bàn bạc, thống nhất như thế nào nhưng kết quả, ông Đức làm hợp đồng tặng toàn bộ tài sản bố mẹ để lại cho bà Nhân. Căn cứ theo hợp đồng này, bà Nguyễn Thị Nhân làm thủ tục cấp đổi, được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ số CI9161xx ngày 5-2-2018.
 
Ông Nguyễn Duy Đức mất năm 2018. Sau khi về nước, bà Phạm Thị Thái biết được khối tài sản trên được chồng mình chuyển giao cho chị gái nên viết đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông Đức và bà Nhân. TAND tỉnh, sau đó là TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử chấp nhận khởi kiện của bà Phạm Thị Thái, tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho tài sản giữa bà Nhân và ông Đức, hủy GCNQSDĐ số CI9161xx mang tên bà Nguyễn Thị Nhân.
 
Sự việc trên có lẽ sẽ kết thúc tại đây, khối tài sản mặc nhiên thuộc về bà Phạm Thị Thái. Tuy nhiên, đầu năm 2020, ông Nguyễn Duy Tâm về quê giỗ chạp, biết được vụ kiện tụng giữa em dâu và em gái. Đi sâu tìm hiểu, ông Tâm phát hiện ra những “khuất tất” đằng sau văn bản phân chia tài sản thừa kế do ông Nguyễn Duy Đức xác lập năm 2014 và quá trình chứng thực của UBND xã Phú Trạch (cũ).
(QBĐT) - Bậc sinh thành mất đi, tài sản để lại chưa kịp di chúc cho các con. Quá trình sử dụng mảnh đất hương hỏa, giữa những người con phát sinh mâu thuẫn không thể dung hòa. Tòa án phân xử, sẽ có người được, người mất. Nhưng cái mất lớn nhất… là tình cảm anh em ruột thịt không còn nguyên vẹn.
 Ảnh minh họa (Tiến Hành)
Trong văn bản phân chia tài sản thừa kế này, ông Tâm không đồng ý cũng như không trực tiếp ký. Việc chứng thực văn bản thừa kế vắng mặt ông là trái quy định pháp luật. Từ đó, ông Nguyễn Duy Tâm khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu văn bản phân chia tài sản do ông Đức xác lập và được UBND xã Phú Trạch (cũ) chứng thực năm 2014.
 
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST, ngày 9-4-2021, TAND huyện Bố Trạch quyết định tuyên vô hiệu đối với văn bản phân chia tài sản thừa kế do ông Nguyễn Duy Đức xác lập và được UBND xã Phú Trạch (cũ) chứng thực năm 2014.
 
Bà Phạm Thị Thái sau đó viết đơn kháng án với hai nội dung: Đề nghị sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu áp dụng thời hiệu để đình chỉ vụ án; hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong phiên tòa phúc thẩm, luật sư đại diện cho bà Phạm Thị Thái đề nghị xác định lại vai trò bị đơn của bà Thái vì bà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
 
Quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến văn bản phân chia tài sản thừa kế do ông Nguyễn Duy Đức xác lập và trình tự tiến hành thủ tục chứng thực của UBND xã Phú Trạch (cũ).
 
Bà Nguyễn Thị Nhân trình bày: “Khi em tôi là ông Đức xuống nhà yêu cầu ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế, tôi đinh ninh nội dung đã được anh Tâm đồng ý nên vội vàng ký vào”.
 
Ông Nguyễn Duy Tâm khẳng định: “Tôi không trực tiếp ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế, chữ ký trong văn bản trên là giả mạo và tôi cũng không có mặt tại thời điểm UBND xã Phú Trạch tiến hành các thủ tục chứng thực”.
 
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án như cán bộ địa chính trực tiếp nhận hồ sơ tại thời điểm chứng thực thừa nhận: “Khi chứng thực văn bản thừa kế không có mặt ông Nguyễn Duy Tâm”. Nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Trạch (cũ) trình bày trước HĐXX: “Hồ sơ liên quan đến nội dung chứng thực được một mình cán bộ địa chính đưa tôi trình ký chứ không có mặt các ông bà Tâm, Nhân, Đức. Lúc đó, vì tin tưởng cán bộ mình nên tôi đã đặt bút ký chứng thực”.
 
Một tình tiết khác trong vụ án là TAND tỉnh đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh tiến hành trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Duy Tâm trong văn bản phân chia tài sản thừa kế. Kết quả “chữ ký, chữ viết trong văn bản trên với mẫu so sánh không phải do một người ký, viết ra”.
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tuyên bác các nội dung của bà Phạm Thị Thái và luật sư đề nghị. Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị Thái, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST, ngày 9-4-2021 của TAND huyện Bố Trạch.
 
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày Tòa tuyên án. Đằng sau phiên tòa, những người trong cuộc đều nhận ra một điều, cái mất lớn nhất là tình cảm anh em ruột thịt và em dâu từ đây sẽ không bao giờ hàn gắn lại được.
 
                                                                                                                                        Hồ An
 
 (* Tên các nhân vật đã được thay đổi)