Bảo đảm "mục tiêu kép" trong công tác xét xử

  • 08:00 | Thứ Sáu, 10/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện các giải pháp đồng bộ, bảo đảm công tác xét xử và phòng, chống dịch bệnh. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tuyến, Chánh án TAND tỉnh xung quanh vấn đề này.
 
PV: Quảng Bình nói chung và ngành Tòa án nói riêng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trước thực tế đó, kết quả hoạt động của ngành Tòa án như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hữu Tuyến: Mặc dù còn nhiều khó khăn, số lượng vụ việc, vụ án mà TAND hai cấp thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng, song nhờ việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các công văn hướng dẫn của TAND Tối cao, Bộ Y tế và UBND tỉnh.., đến thời điểm này, TAND hai cấp cơ bản hoàn thành công tác xét xử theo kế hoạch.
 
Cụ thể, TAND hai cấp giải quyết được 1.555/2.355 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 67,7%. Số vụ việc còn lại chưa giải quyết đều đang trong hạn định của pháp luật. Số bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm tỷ lệ 1,18%, thấp hơn nhiều so với quy định.
 
Công tác xét xử các vụ án hình sự bảo đảm kết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm cũng như không làm oan sai người vô tội. Hình phạt Tòa án áp dụng nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Các vụ án lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, xét xử kịp thời nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
 
Đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính…, TAND hai cấp làm tốt việc hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ việc; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, Công an, Viện KSND cùng cấp nhằm giải quyết tốt vụ việc. Công tác hòa giải, đối thoại tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Một phiên tòa hình sự được tổ chức trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát.
Một phiên tòa hình sự được tổ chức trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát.
PV: Trong công tác xét xử, các vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực nào có chiều hướng gia tăng, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hữu Tuyến: Qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, như: Tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác…
 
Trong lĩnh vực dân sự, số lượng án gia tăng chủ yếu là tranh chấp về quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng; tranh chấp về hôn nhân gia đình. Cá biệt, phát sinh một số vụ kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
 
PV: Ông có thể nói rõ cách thức tổ chức một phiên tòa trong tình hình bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19?
 
Ông Nguyễn Hữu Tuyến: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tổ chức tốt một phiên tòa, TAND hai cấp phải căn cứ vào nội dung từng vụ án cụ thể và các quy định về giãn cách xã hội, từ đó, có kế hoạch xét xử phù hợp với quy định về an toàn phòng chống dịch.
 
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 15, các Tòa án vẫn tổ chức xét xử bình thường nhưng chỉ triệu tập những người có liên quan đến vụ án tham gia phiên tòa. Những ai không liên quan thì hạn chế đến trụ sở Tòa án, vào phòng xét xử. Tòa án yêu cầu tất cả những người tham gia phiên tòa phải thực hiện khuyến cáo "5K". Hội trường xét xử được vệ sinh khử khuẩn thường xuyên. Những vụ án có số lượng bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vượt quá quy định thì tạm hoãn xét xử.
 
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16, TAND tỉnh rà soát lại tất cả các vụ án hình sự có ít bị cáo để đề nghị Trại tạm giam tỉnh trích xuất đến tòa án, tổ chức xét xử trong một ngày. Đề xuất UBND tỉnh cho phép các thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân được đến Tòa án tham gia xét xử. Quá trình xét xử tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch.
 
TAND Tối cao cũng đang soạn thảo Quy chế quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhưng bước đầu chỉ tập trung vào một số vụ án hình sự đơn giản.
 Thực hiện nghiêm ngặt công tác phun khử khuẩn phòng xét xử sau mỗi phiên tòa.
Thực hiện nghiêm ngặt công tác phun khử khuẩn phòng xét xử sau mỗi phiên tòa.
PV: Trong bối cảnh toàn tỉnh đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19, ngành Tòa án có những giải pháp gì nhằm bảo đảm thắng lợi “mục tiêu kép” của mình, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hữu Tuyến: Để thực hiện “mục tiêu kép”  khi toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, TAND tỉnh đề ra nhiều giải pháp, như:
 
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại, TAND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
TAND hai cấp tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu, tiên phong trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chấp hành nghiêm khuyến cáo "5K" trong suốt thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công việc, tổ chức các cuộc họp và làm việc trực tuyến.
 
Yêu cầu người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa và công dân khi đến trụ sở Tòa án phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại cổng bảo vệ cơ quan; đồng thời, đeo khẩu trang trong thời gian làm việc, thực hiện giãn cách tối thiểu khi tiếp xúc.
 
Đối với các trường hợp F2, F3 là cán bộ trong ngành, TAND tỉnh bố trí làm việc tại nhà đến khi hết thời gian cách ly. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến tình hình của các F1 liên quan để điều chỉnh công việc phù hợp, đúng quy định phòng, chống dịch. Người đến cơ quan giải quyết công việc được yêu cầu hạn chế tiếp xúc.
 
Ngoài ra, toàn ngành thực hiện tốt công tác xét nghiệm sàng lọc vi-rút SARS-CoV-2 cho cán bộ, công chức và người lao động. Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, bảo đảm giãn cách đúng quy định trong quá trình xét xử nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, tránh lây lan dịch bệnh tại các phiên tòa.
 
Thực tế, trong điều kiện dịch bệnh bùng phát như hiện nay, việc thực hiện “mục tiêu kép” phải ưu tiên phòng, chống dịch lên hàng đầu. Năm công tác Tòa án bắt đầu từ ngày 1-10 năm trước đến hết ngày 30-9 năm sau, lẽ ra trong điều kiện bình thường, hai tháng 8, 9 sẽ là quãng thời gian chúng tôi “tăng tốc” giải quyết án nhưng hiện nay thì chưa thể. Việc thực hiện được 70% trở lên khối lượng công việc cần hoàn thành cũng đã là một nỗ lực lớn. Hy vọng ngành Tòa án sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
 
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
                                                                                                                   Thanh Long
(thực hiện)