Công chức địa chính xã, phường-Có những "ông trời con" ở cơ sở:

Bài cuối: Xử lý sai phạm - Còn "Giơ cao… đánh khẽ"

  • 08:25 | Thứ Năm, 19/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngoài hai công chức địa chính xã Hoàn Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) vướng vào vòng lao lý, một số cán bộ địa chính xã, phường trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến sai phạm đất đai bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc xử lý sai phạm vẫn còn theo kiểu “giơ cao…đánh khẽ”, gây bức xúc trong dư luận.
 
Điều 97, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 chỉ rõ những vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai của cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có công chức địa chính xã, phường) gồm các nhóm: vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính; vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vi phạm quy định về trưng dụng đất; vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý và vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính…
 
Trong những nhóm trên, hành vi vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… là những vi phạm phổ biến nhất, tồn tại chủ yếu ở thực tế hiện nay.
Hàng loạt công chức địa chính xã bị xử lý tại Bố Trạch, Lệ Thủy do dính sai phạm
Hàng loạt công chức địa chính xã bị xử lý tại Bố Trạch, Lệ Thủy do dính sai phạm
Huyện Bố Trạch, địa phương trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc sai phạm đất đai khá nghiêm trọng ở một số xã như  Hoàn Trạch, Phúc Trạch, Nhân Trạch, Sơn Trạch, Phú Trạch, Cự Nẫm… Sau khi các ban, ngành liên quan vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ, Bố Trạch cũng là huyện tiên phong xử lý nghiêm cán bộ, công chức địa chính xã phường “dính” sai phạm.
 
Ông Hồ Ngọc Thanh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bố Trạch cho biết: “Toàn huyện có 48 công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường. Giai đoạn từ 2016 đến 2019 đã có 9 trường hợp bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2018, các công chức địa chính Nguyễn Văn Nam (Hạ Trạch); Hồ Hà Tuyên, Nguyễn Thị Thanh Huyền (Sơn Trạch); Hoàng Minh Huyên (Phú Trạch); Dương Đức Thọ (Đồng Trạch) bị kỷ luật khiển trách; Nguyễn Văn Châu (Cự Nẫm) bị cảnh cáo; Nguyễn Bá Chất (Nhân Trạch) bị kỷ luật hạ bậc lương. Năm 2019, Nguyễn Thanh Sơn (Phúc Trạch), Nguyễn Ngọc Sơn (Hoàn Trạch) bị buộc thôi việc vì dính án tù”.
 
Giống như Bố Trạch, huyện Lệ Thủy trong giai đoạn 2015-2020, tình hình sai phạm đất đai ở cơ sở cũng phát sinh nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến công tác tham mưu, quản lý, kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ, công chức địa chính xã phường. Toàn huyện Lệ Thủy có 56 cán bộ, công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường thì 7 người bị “dính” kỷ luật.
 
Đơn cử, tại xã Trường Thủy, do buông lỏng trong việc quản lý đất đai, năm 2015, công chức địa chính Nguyễn Thành Tuấn bị kỷ luật khiển trách. Năm 2016, ông Nguyễn Văn Kiểm thay thế Nguyễn Thành Tuấn vẫn để sai phạm về đất đai xảy ra, tiếp tục chịu kỷ luật bằng hình thức như Nguyễn Thành Tuấn.
 
Giai đoạn 2017-2019, các công chức địa chính Nguyễn Văn Kha (Mai Thủy), Lê Ngọc Tình (Hưng Thủy), Lê Thanh Thành (Sen Thủy), Nguyễn Văn Kha (Mỹ Thủy), Trần Công Minh (Ngư Thủy Bắc) và Nguyễn Xuân Hiệp (TT. Kiến Giang) bị kỷ luật từ hình thức khiển trách đến hạ bậc lương, trong đó Lê Thanh Thành bị cảnh cáo còn Nguyễn Xuân Hiệp bị hạ bậc lương. 
Công trình sai phạm của người dân nằm sát ngay trụ sở UBND xã Lộc Ninh.
Công trình sai phạm của người dân nằm sát ngay trụ sở UBND xã Lộc Ninh.
Tại địa bàn TP. Đồng Hới, mặc dù trách nhiệm đội ngũ công chức địa chính xã, phường rất lớn khi để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai ở cơ sở nhưng việc xử lý sai phạm lại thiếu kiên quyết, không dứt điểm, thực hiện không đến nơi đến chốn… tạo ra dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Vẫn tồn tại một “công thức” áp dụng trong xử lý công chức địa chính “dính” sai phạm: sai phạm ở địa phương này… luân chuyển công tác đến địa phương khác.
 
Ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) TP. Đồng Hới chia sẻ: “Thẩm quyền xử lý công chức địa chính ở cơ sở có sai phạm về đất đai thuộc Chủ tịch UBND xã, phường. Về góc độ quản lý, Phòng TN-MT thành phố cố gắng nắm bắt dư luận nhân dân, kiến nghị UBND thành phố thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, điều chuyển vị trí công tác, địa phương công tác công chức địa chính nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực phát sinh trong công tác quản lý đất đai”.
 
Để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại một số địa phương như: Thuận Đức, Bắc Lý, Lộc Ninh, Bảo Ninh có sự tắc trách, buông lỏng không nhỏ của đội ngũ công chức địa chính: xã Lộc Ninh là Lê Thị Hồng Nga, Nguyễn Hải Tân (giai đoạn 2015-2019); xã Thuận Đức là Hoàng Trung Thông, Đặng Thanh Tân, Phạm Thị Tố Nga (giai đoạn 2014-2017); xã Bảo Ninh là Tạ Thanh Sơn, Bùi Thị Khuyên, Lê Thị Dòn (giai đoạn 2015-2019); phường Bắc Lý là Cao Thị Bích Hạnh... 
Quản lý tốt về lĩnh vực đất đai tạo ra được sự phát triển ổn định về mặt xây dựng, cảnh quan đô thị tại P. Đức Ninh Đông.
Quản lý tốt về lĩnh vực đất đai tạo ra được sự phát triển ổn định về mặt xây dựng, cảnh quan đô thị tại P. Đức Ninh Đông.
Trong quá trình các cơ quan chức năng TP. Đồng Hới thanh tra, kiểm tra và đề nghị hình thức xử lý vi phạm, các công chức địa chính này lại tiếp tục được luân chuyển công tác đến những địa phương khác: Cao Thị Bích Hạnh nhận công tác mới tại phường Phú Hải; Nguyễn Hải Tân chuyển từ Lộc Ninh đến phường Đức Ninh Đông; Tạ Thanh Sơn, Bùi Thị Khuyên từ Bảo Ninh chuyển lên phường Đồng Sơn và Lê Thị Dòn về phường Đồng Hải.
 
Câu chuyện về quản lý đất đai và vai trò của đội ngũ công chức địa chính xã, phường trong công tác quản lý đất đai ở cơ sở vẫn còn là một câu chuyện dài. Đã đến lúc cần có một chế tài đủ mạnh, hình thức xử lý kỷ luật đủ nghiêm đối với những tập thể, cá nhân sai phạm (trong đó có cán bộ, công chức địa chính xã, phường) để Luật Đất đai thực sự được triển khai đồng bộ, hạn chế tiêu cực về công tác quản lý đất đai, lĩnh vực rất “nhạy cảm” trong đời sống xã hội.
Nhóm PV. Bạn đọc
 

>> Công chức địa chính xã, phường - Có những "ông trời con" ở cơ sở

>> Công chức địa chính xã, phường - Có những "ông trời con" ở cơ sở - Bài 2: Đất đai… "chui lọt lỗ kim"