Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan: Cần quyết liệt để không chậm trễ

Kỳ 2: Dự án đầy tính nhân văn, không thể chậm trễ

  • 08:04 | Thứ Năm, 21/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tình trạng nắng hạn, khô khát đang diễn ra hết sức gay gắt. Có ai về các địa phương ở TX. Ba Đồn, Quảng Trạch trong mùa hè năm nay thì mới thấy được tính cấp thiết của việc xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan- một dự án mang đầy tính nhân văn.
Giải pháp thi công, cơ chế vận hành bảo đảm độ tin cậy
 
Trong điều kiện ngân sách quốc gia còn khó khăn, Chính phủ đã dành 350 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu để đầu tư cho người dân Quảng Bình công trình thủy lợi có quy mô lớn mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người dân xã Quảng Sơn nói riêng và người dân 22 xã của TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch nói chung tháo gỡ khó khăn và giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, nước tưới mỗi khi mùa hè đến.
 Hành vi xuyên tạc về dự án Rào Nan trên facebook của các đối tượng cực đoan, chống đối.
Hành vi xuyên tạc về dự án Rào Nan trên facebook của các đối tượng cực đoan, chống đối.
Đập dâng Rào Nan được xây dựng mới là đập tràn dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi (283 cọc đường kính 1m, chiều sâu 20m), kết cầu toàn bộ bằng bê tông cốt thép. Cao trình ngưỡng tràn là 6m (cao trình đập dâng hiện tại là 1,5m). Chiều dài đập dâng trên 177m, bao gồm 15 cửa van (mỗi cửa van rộng 10m) và 2 cửa xả cát (mỗi cửa rộng 4,5m). Hệ thống gồm 15 cửa van và 2 cửa xả cát như trên sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối về thoát lũ cho công trình. Về điều tiết cho công trình, hết mùa mưa bão, hệ thống cửa van sẽ đóng lại, đập dâng nước lên nhằm cấp nước tưới cho những tháng thiếu nước (từ tháng 5 - 8) vụ hè thu. Khi mùa mưa đến (đầu tháng 9), toàn bộ 15 cửa tràn và 2 cửa xả cát sẽ được mở hoàn toàn để đảm bảo thoát lũ.
 
Khác với đập thủy điện, khi nước dâng sẽ chảy qua tràn, nếu vượt ngưỡng an toàn mới xả hồ, còn đập dâng Rào Nan có chức năng thoát lũ bằng tự chảy qua tràn. Khi mùa mưa lũ về, đơn vị quản lý, vận hành sẽ nâng 15 cửa xả van để trả lại khả năng thoát lũ của dòng sông. Chức năng của đập đơn giản nhưng kết cấu vững chắc hơn đập thủy lợi bình thường rất nhiều. Vì vậy, bản chất đập Rào Nan là công trình đập dâng, nước vẫn chảy bình thường, chứ không phải là hồ chứa, không gây thêm ngập vùng hạ du mà còn góp phần giảm lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ.
 
Ngoài ra, để bảo vệ bờ sông trong khu vực ảnh hưởng của dòng chảy, dự án sẽ đầu tư bờ kè bằng hệ thống cọc khoan nhồi bê tông cốt thép cao 19,5m, cắm vào đá 1m, phía trên xếp rọ đá bảo vệ bờ đến 7m. Do vậy công trình đập dâng Rào Nan bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nói về sự an toàn của đập Rào Nan, GS. TS. Nguyễn Quốc Dũng - Viện trưởng Viện Thủy công, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi tính toán dựa trên quan trắc cơn lũ lớn nhất từ lúc xây đập Rào Nan cho đến nay. Dựa trên cơ sở đó và tính toán lớn hơn 1,5 lần nên độ an toàn tuyệt đối”.
 
Điểm mấu chốt không kém phần quan trọng đó là đơn vị thi công. Đơn vị trúng thầu thi công đập tràn, cống lấy nước là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Đơn vị đã trúng thầu thi công các công trình thủy lợi lớn như Hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), Thác Chuối (Quảng Bình)… và các công trình giao thông quan trọng khác. Các công trình do Tập đoàn Sơn Hải thi công đều đạt chất lượng cao, được Bộ Xây dựng chứng nhận và đã tạo dựng được tên tuổi, thương hiệu trong ngành xây dựng. Công ty có đủ máy móc, thiết bị hiện đại, nhân lực gồm các kỹ sư lâu năm có tay nghề cao, kinh nghiệm thi công các công trình lớn và các bộ phận kiểm soát nghiêm ngặt nên chắc chắn sẽ bảo đảm thi công đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
 
Như vậy, trên cơ sở quy trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt chặt chẽ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành thủy lợi và những khẳng định về mức độ an toàn công trình của các cơ quan cao nhất trong lĩnh vực thủy lợi cũng như đơn vị thi công có uy tín, đó chính là cơ sở khoa học để cam kết và tạo niềm tin vững chắc cho sự an toàn tuyệt đối của công trình.
 
Cần đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết
 
Việc người dân vùng dự án chưa đồng tình, ủng hộ là câu chuyện chung của nhiều địa phương khi thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện. Mặc dù qua rất nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến TX. Ba Đồn, đơn vị tư vấn, thiết kế, phản biện, chủ đầu tư… đã tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, chi tiết nguyên tắc thiết kế dự án, cơ chế, quy trình vận hành và cam kết khẳng định độ an toàn của công trình nhưng một số người dân thôn Linh Cận Sơn vẫn không thay đổi quan điểm, giữ nguyên thái độ chống đối.
 
Ông Trần Văn Huyển, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn cho biết: “Lúc đầu, bản thân tôi cũng như người dân Quảng Sơn, trong đó có người dân thôn Linh Cận Sơn cũng băn khoăn, lo lắng khi xây dựng đập dâng Rào Nan. Nhưng khi được các nhà khoa học, đặc biệt là nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Văn Thắng giải thích, phân tích, đánh giá tại hội nghị ngày 15-8-2018 tổ chức tại trụ sở xã, tôi yên tâm hơn và ủng hộ việc triển khai dự án. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu và ủng hộ dự án. Dù phần lớn người dân đã có sự chuyển biến thay đổi quan điểm, ủng hộ dự án nhưng vẫn còn một bộ phận chưa chưa đồng tình, chống đối với động cơ thiếu tính xây dựng”. 
Nhiều cánh đồng trên địa bàn TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch khô khát trong mùa hè vì thiếu nước tưới.
Nhiều cánh đồng trên địa bàn TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch khô khát trong mùa hè vì thiếu nước tưới.
Trong những ngày cuối tháng 6-2019, trên đường đi cơ sở, thấy cả cánh đồng của Quảng Phương, Quảng Phong, TX. Ba Đồnnứt nẻ, lúa cháy vàng héo úa mà chúng tôi xót xa cho công lao khó nhọc của người nông dân bị vứt bỏ chỉ vì thiếu nước. Có ai về các địa phương ở TX. Ba Đồn, Quảng Trạch trong mùa hè năm nay thì mới thấy được tính cấp thiết của việc xây dựng công trình thủy lợi quan trọng này. Chứ không phải như luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chống phá của số linh mục cực đoan tìm cách chống phá để dự án không triển khai nhằm kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của 22 xã vùng Quảng Trạch và TX. Ba Đồn, đặc biệt là 9 xã vùng nam TX Ba Đồn, nơi được ví là “vùng trũng” về kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Nếu dự án không triển khai đúng tiến độ thì Bộ NN&PTNT sẽ chuyển vốn cho dự án khác. Lúc đó cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng Nam TX. Ba Đồn và các địa phương liên quan sẽ không còn, nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước ngày càng bị thách thức, đe dọa nghiêm trọng trước biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Không thể chỉ vì sự ích kỷ, hẹp hòi, thiếu hiểu biết và lo lắng quá mức cần thiết của một bộ phận người dân thôn Linh Cận Sơn làm ảnh hưởng, thiệt thòi đến lợi ích, tương lai của cả khu vực TX. Ba Đồn và 6 xã của huyện Quảng Trạch.
 
Do đó, cấp ủy, chính quyền TX. Ba Đồn cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân thôn Linh Cận Sơn thấy rõ mục đích, vai trò to lớn và ý nghĩa nhân văn mà dự án sẽ mang lại đối với tương lai của chính bản thân họ.
 
Cần phải đặt lợi ích của cả cộng đồng dân cư trước sự băn khoăn, lo lắng thiếu cơ sở khoa học, từ đó ủng hộ để dự án triển khai đúng tiến độ. Đồng thời các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý và mạnh tay trừng trị những người kích động, cầm đầu đang tìm cách cản trở, phản đối dự án.
 
Phan Linh