Khó khăn đường về đích nông thôn mới - Bài 1: Xuất phát điểm thấp

  • 08:04 | Thứ Hai, 18/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để cố gắng về đích NTM, NTM nâng cao. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí huy động xây dựng NTM hạn chế nên không ít xã phải nhiều lần gia hạn và “lỡ hẹn” với NTM, NTM nâng cao.
 
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở xuất phát điểm thấp là một trong những trở ngại khiến nhiều xã miền núi, bãi ngang trên địa bàn tỉnh nhọc nhằn hơn trên chặng đường về đích. Sau gần 15 năm xây dựng, đến nay các xã vẫn đang chật vật với một số tiêu chí "cứng", lộ trình xây dựng NTM vì thế cũng kéo dài.
 
Khi xã "khó" xây dựng NTM
 
Năm 2010, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) bắt tay vào xây dựng NTM. Với đặc thù là xã bãi ngang nên quá trình xây dựng NTM của địa phương gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần phấn đấu, đến nay, xã vẫn chưa hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM.
 
Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung cho biết: “Xã có 90% người dân theo ngư nghiệp. Cuộc sống của người dân còn khó khăn nên nguồn kinh phí huy động trong dân để xây dựng NTM không cao. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, xã sẽ cán đích NTM, tuy nhiên, hiện xã đang gặp khó với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, cụ thể là về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn và tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Vì thế xã chưa thể về đích NTM”.
 
Cũng theo ông Trung, hiện nay, toàn xã chưa có thôn nào được sử dụng nước sạch tập trung. Các hộ dân chủ yếu sử dụng nước giếng, tuy nhiên, nguồn nước này hiện đang nhiễm phèn nặng. Để được công nhận đạt chuẩn NTM, xã phải đạt tỷ lệ 20% hộ được sử dụng nước sạch tập trung. Điều này bắt buộc xã cần có số kinh phí 15 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ dân khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường ống. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hiện nhà văn hóa, hội trường đa năng của xã cũng khó thực hiện vì địa phương còn khó khăn, không thể huy động được nguồn kinh phí. Vì vậy, năm 2023 xã chưa hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu chuyển sang cuối năm 2024 cũng khó mà hoàn thành, nếu không có sự hỗ trợ của huyện, tỉnh.   
Xã miền núi, bãi ngang khó huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Xã miền núi, bãi ngang khó huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Là xã miền núi khó khăn của huyện Minh Hóa, Yên Hóa bắt tay vào xây dựng NTM ở xuất phát điểm với 2 tiêu chí (điện và quy hoạch). Sau gần 11 năm xây dựng NTM, đến nay, xã vẫn chưa hoàn thành các chỉ tiêu. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, xã sẽ cán đích NTM, tuy nhiên, do chưa hoàn thành tiêu chí “cứng” về hộ nghèo nên xã phải tạm dừng xét kết quả xây dựng NTM.
 
Ông Đinh Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho hay: Cuối năm 2023, qua rà soát, đánh giá, xã đã đạt 18/19 tiêu chí. Thiếu hụt 1 tiêu chí là hộ nghèo nên vẫn chưa hoàn thành kế hoạch về đích NTM. Toàn xã hiện có 68 hộ nghèo (đạt 5,76%), 203 hộ cận nghèo (đạt 23,12%). Theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã còn quá cao so với quy định. Đây thực sự là một thách thức đối với xã miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Hóa.
 
“Trong thời gian tới, xã sẽ tiến hành rà soát, đánh giá xem nguyên nhân vì sao tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Nếu nguyên nhân là do người dân thiếu vốn hoặc thiếu đất sản xuất thì xã sẽ có phương án để hỗ trợ. Trước mắt, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn để tập trung ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích, hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động”, ông Đinh Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho biết thêm.
 
Chật vật về đích
 
Cùng với 2 xã Ngư Thủy Bắc và Yên Hóa, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cũng nằm trong danh sách phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023. Xét về xuất phát điểm thì Xuân Trạch có lợi thế hơn khi bắt tay vào xây dựng NTM với 6 tiêu chí có sẵn.  
 
Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: Mặc dù theo kế hoạch phấn đấu, xã sẽ hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm 2023 để được công nhận NTM. Thế nhưng, cuối năm 2023 xã còn 2 tiêu chí về trường học và cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt nên đã xin huyện, tỉnh gia hạn nộp hồ sơ xét công nhận sang quý I/2024. Đặc biệt, ở tiêu chí trường học, xã có một số công trình chưa có vốn, gồm: Công trình cải tạo, nâng cấp nhà bếp ăn, hàng rào cho trường mầm non thuộc điểm trường Khe Gát và điểm trường Vĩnh Sơn; sân, khuôn viên nhà vệ sinh Trường tiểu học số 2, điểm trường Ngọn Rào. Dù đã cố gắng nhưng do khối lượng công việc phải hoàn thành lớn nên rất khó để xã hoàn thành các công trình trong quý I này.
 
Nằm trong danh sách những xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2021, tuy nhiên đến năm 2023, xã Cảnh Hóa mới được công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả này là cả quá trình dài, nhiều lần phấn đấu với một xã miền núi khó khăn như Cảnh Hóa.
 
Năm 2023, toàn tỉnh có 9 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, trong đó 6 xã được công nhận, 3 xã chưa đủ điều kiện để xét đạt chuẩn NTM (Yên Hóa, Ngư Thủy Bắc, Xuân Trạch). Đến nay, toàn tỉnh đã có 94 xã đạt chuẩn NTM, đạt 73,4%. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu 8 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 102 xã.

Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã bắt đầu xây dựng NTM với 2 tiêu chí bước đầu, sau 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2021, xã nằm trong danh sách phấn đấu về đích NTM. Tuy nhiên có 2 tiêu chí xã chưa đạt là tiêu chí hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật và tiêu chí trường học nên xã phải gia hạn hồ sơ xét công nhận sang năm 2022. Sau nhiều năm gia hạn xét công nhận đến cuối năm 2023, với sự nỗ lực của chính quyền và bà con nhân dân, xã đã về đích NTM.

Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Quảng Bình bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích giai đoạn 2021-2025 đều là những xã khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao, khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chậm được ban hành. Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 tăng cả về nội dung và chất lượng tiêu chí, nhiều tiêu chí yêu cầu cao và khó. Điều này khiến nhiều xã bãi ngang, miền núi chậm về đích NTM. Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã), đồng thời ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho các địa phương khó khăn, giúp họ sớm hoàn thành các tiêu chí về đích NTM.
Đoàn Nguyệt
 
>>> Bài 2: “Chiếc áo” rộng?

tin liên quan

Quảng Bình tham gia chuỗi hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2024

(QBĐT) - Tối 16/3, tại tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia-Điện Biên, lễ hội Hoa Ban 2024.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

(QBĐT) - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Từ ngày 15-17/3, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Sức trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - "Gần 15 năm trong hành trình khởi nghiệp với nghề mộc mà tôi đã lựa chọn, dẫu có hàng nghìn khó khăn cản bước. Nhưng, tôi vẫn tự hào rằng, mình đã chọn đúng hướng…", Lê Minh Lý (SN 1991), thôn Văn Xá, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) bộc bạch…