Chuyện quản lý: Phải "nhanh chân" hơn… biến đổi khí hậu!

  • 08:40 | Thứ Ba, 06/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, Quảng Bình trải qua một trận lũ lụt lịch sử, tại nhiều địa phương mực nước dâng lên cao vượt quá dự báo, dự tính và sự chịu đựng của người dân. Cơn đại hồng thủy tràn qua đã làm hao tổn nặng nề nhà cửa, hoa màu, của cải, công trình hạ tầng, tính mạng của người dân…
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiên tai này là sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tỉnh Quảng Bình.
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 10 năm qua (2010-2020), do sự tác động của biến đổi khí hậu nên Quảng Bình đã xuất hiện nhiều hiện tượng tự nhiên tiêu cực so với trước đây, đó là: nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao; bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng về số lượng, cường độ, khốc liệt và khó lường; lũ lụt, mưa lớn gây ngập úng; hạn hán, nắng nóng; rét đậm, rét hại kéo dài; xâm nhập mặn do nước biển dâng (hạ lưu sông Nhật Lệ, sông Gianh)… 
Rừng cây bằng lăng tự nhiên được bảo tồn trên tuyến đường vào bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Rừng cây bằng lăng tự nhiên được bảo tồn trên tuyến đường vào bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; đồng thời, triển khai một số dự án ven biển. Cụ thể: tuyến đê, kè chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ; nâng cấp hệ thống đê, kè bảo vệ bờ sông và trồng rừng ngập mặn ở các xã, bãi ngang, cồn bãi thuộc TX. Ba Đồn; phát triển rừng phòng hộ phía Nam Quảng Bình; đầu tư phát triển môi trường hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới; xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh...
 
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chuỗi giá trị gia tăng; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu giống, lịch thời vụ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến các mô hình nông nghiệp tiên tiến nhằm giảm thiểu sự tác động vào môi trường sinh thái, như: quy trình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI)…
 
Cùng với đó là hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội thì nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về lĩnh vực này vẫn chưa đầy đủ; các biện pháp ứng phó còn lúng túng, bị động và thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát sự bất thường của thời tiết chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế; chế tài về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn bất cập…
 
Dự báo trong thời gian tới biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ…, do đó, các cấp, các ngành và người dân sẽ phải có nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này để chủ động phòng ngừa; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
 
Trần Minh Văn