Trên những công trình trọng điểm

  • 08:23 | Thứ Năm, 11/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một mùa xuân mới đang về. Náo nức giữa mùa xuân là nhộn nhịp khí thế thi đua lao động sôi nổi của đội ngũ kỹ sư, công nhân của nhiều đơn vị đang khẩn trương hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh theo đúng tiến độ. Vững tin các công trình trọng điểm này sẽ đánh dấu một hành trình mới, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực và cả nước trong tương lai.
 
Từ một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, đầy nắng và gió, Quảng Bình đã biến khó khăn thành tiềm năng, lợi thế khi thu hút được nhiều công trình, dự án năng lượng, như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa-Lệ Thủy và Dự án Cụm trang trại điện gió B&T có công suất 210MW...
 
Tính đến thời điểm này, Cụm trang trại điện gió B&T là dự án có quy mô công suất lớn nhất tại Việt Nam. Cách đây 2 năm, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình, có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Vũ Đại Thắng-khi đó là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nay là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Công ty CP Điện gió B&T và Công ty AC Energy (là công ty con thuộc Tập đoàn Ayala-Philippines). Đến ngày 20-9-2020, chủ đầu tư cụm trang trại điện gió B&T-Công ty AMI AC Renewables đã tổ chức lễ khởi công dự án có tổng vốn gần 7.000 tỷ đồng, công suất 210MW.
 
Trong đó, dự án Cụm Trang trại Điện gió B&T gồm: Trang trại Điện gió BT1 thuộc huyện Quảng Ninh, công suất 109,2 MW (26 tuốc bin); Trang trại Điện gió BT2 thuộc huyện Lệ Thủy, công suất 100,8 MW (24 tuốc bin). Loại tuốc-bin sử dụng là V150-4.2 (chiều cao cột tuốc bin 145m và công suất mỗi tuốc-bin là 4,2MW). Hiện chủ đầu tư đã hoàn tất hồ sơ để được cấp tiếp giấy phép đầu tư mới việc xây dựng thêm 10 tuốc bin với công suất 42MW vào các cụm trang trại điện gió BT1 và BT2. Nâng tổng công suất lên 252MW và có tổng mức đầu tư dự án này lên gần 9.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH XD và TM Phước Sỹ đang thi công phần trụ móng tuốc bin.
Công ty TNHH XD và TM Phước Sỹ đang thi công phần trụ móng tuốc bin.
Có mặt tại công trường, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân và phương tiện máy móc hiện đại đang nỗ lực thi công không có ngày nghỉ với năng suất cao nhất. Dự kiến, các hạng mục chính của dự án, như: móng tuốc bin hoàn thành trong tháng 4-2021; lắp đặt tuốc bin trong tháng 6-2021; hệ thống các tuyến đường cáp trung thế, cáp quang, tuyến đường dây 200KV; nhà điều khiển và trạm biến áp... hoàn thành trước tháng 4-2021. Đặc biệt sẽ thí nghiệm và đóng điện trạm trong tháng 5-2021.
 
Dự tính, khi cụm trang trại điện gió chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia, với doanh thu dự kiến 1.000 tỷ đồng, hàng năm, Công ty CP Điện gió B&T sẽ nộp thuế VAT cho tỉnh khoảng hơn 100 tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông nội bộ nối 60 tuốc bin gió với chiều cao 145m như những chiếc "cối xay gió" hiện đại, thân thiện với môi trường không chỉ là điểm nhấn cho vùng ven biển mà kỳ vọng để phát triển thêm nhiều mô hình, dự án du lịch thích hợp và trở thành điểm thu hút khách du lịch đến Quảng Bình.  
 
Cũng với không khí lao động hăng say, giữa tiết trời lạnh và mưa phùn, đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa-Lệ Thủy đang tập trung cao độ cho việc hoàn thiện những phần việc cuối cùng để đưa vào vận hành thử nhà máy. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng, xây dựng trên địa bàn xã Hưng Thủy và Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy).
 
Trong số những dự án thu hút đầu tư vốn doanh nghiệp, đây là dự án có tốc độ thi công khá nhanh. Khởi công vào giữa tháng 6-2020, sau gần 6 tháng thi công, với đội ngũ hàng trăm cán bộ, kỹ thuật và công nhân lao động trên công trường cả ngày thứ 7 và chủ nhật, thậm chí cả ban đêm, đến nay các hạng mục quan trọng đã cơ bản xong, những phần việc cuối cùng đang khẩn trương được hoàn thiện để đưa vào vận hành thử nhà máy.
 
Trên công trường, một cán bộ của Sở Công thương đang đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án chia sẻ: “Dự án được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguồn năng lượng sạch từ năng lượng mặt trời để sản xuất ra điện, không phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Dự án đưa vào vận hành sẽ bổ sung khoảng 65,812 triệu kW/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động...”
 
Ngược ra phía Bắc, chúng tôi đến thăm công trình dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, II (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Đây là dự án điện trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  
 
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của EVN, sau khi hoàn thành, hàng năm, dự án cung cấp khoảng 16,8 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia. Đến nay, các hạng mục cơ sở hạ tầng dự án của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đang hoàn thiện và chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I vào giữa tháng 1-2021. Riêng dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II đang hoàn thành báo cáo thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư của 2 dự án này là 90.000 tỷ đồng.
 
Trước mắt, dự kiến đến năm 2023, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào hoạt động. Theo EVN, các dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và II được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, lò hơi đốt thông số “siêu tới hạn”. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến của châu Âu. Do đó, các chất phát thải ra môi trường đáp ứng các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành. Nhà máy sử dụng than Bitum nhập khẩu nên lượng tro xỉ ít (khoảng 10%) và đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu xây dựng, phụ gia cho các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh.
 
Theo lãnh đạo Sở Công thương, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, II sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ…Khi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng/năm (cả 2 nhà máy là khoảng 2.400 tỷ đồng), còn thu hút khoảng 1.200 lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có khoảng 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng nghìn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển…
 
Một mùa xuân mới đã về mang theo niềm tin và ước vọng. Những triền cát trắng khô cằn ven biển đang dần trở thành những “cánh đồng” năng lượng trải dài tít tắp; những cánh quạt gió khổng lồ cũng sẽ dần hiện ra, mang lại nguồn năng lượng sạch. Từ đó, những vùng đất cát trắng khô cằn, nắng gió nơi đây trở mình vươn dậy với những sức bật mới, khát khao triển vọng mới, là tín hiệu vui góp phần tạo nên sức xuân, sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh nhà trong năm mới.
 
                                                                                              Bùi Thành