Thành công từ củ nghệ

  • 08:08 | Thứ Năm, 21/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Củ nghệ tươi và các sản phẩm từ nghệ không chỉ là nguyên liệu gia tăng hương vị, màu sắc cho các món ăn mà còn có rất nhiều lợi ích khác về mặt sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp. Nắm bắt được điều đó, chị Mai Thị Vân (SN 1980), thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy đã tự nghiên cứu, trồng nghệ dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ đỏ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
 
Trước đây, cũng giống như đa số gia đình khác ở xã Mai Thủy, kinh tế gia đình chị Vân phụ thuộc chủ yếu vào làm ruộng, chăn nuôi. Tuy nhiên, với niềm đam mê trồng trọt, chị đã nghiên cứu tài liệu, báo chí và đi nhiều nơi để tham quan, tìm hiểu về các mô hình.
 
Nhận thấy cây nghệ đỏ có nhiều triển vọng phát triển và phù hợp với thổ nhưỡng quê mình, năm 2014, chị đã trồng thử nghiệm giống nghệ đỏ trên đất đồi dốc. Đây là loại nghệ củ nhỏ, màu vàng đậm, thơm, chất lượng tốt, tuy năng suất thấp hơn so với nghệ lai nhưng lại cho hàm lượng hoạt chất curcumin cao, có giá trị trên thị trường. Kết quả, chị nhận thấy cây nghệ đỏ có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nên chị nhân rộng diện tích trồng cây; đồng thời, vận động người dân trong xã nhân rộng trồng cây nghệ đỏ và trực tiếp thu mua cho bà con.
 
Năm 2016, chị bắt tay thử nghiệm các loại tinh bột nghệ chất lượng và liên kết với các hộ dân để bao tiêu sản phẩm nghệ tươi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ đỏ.
 
Để bảo đảm nguồn hàng cho người tiêu dùng, chị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy móc chế biến, như: 2 máy xay, vắt liên hoàn, 3 máy sấy, máy xay tay, phòng sấy điều hòa...
 
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm bán ra thị trường chưa được nhiều người biết đến, màu sắc chưa được "bắt mắt". Tuy nhiên, chị không nản lòng, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ những người đi trước. 
 Mô hình sản xuất của chị Mai Thị Vân được đầu tư phòng sấy, máy móc hiện đại.
Mô hình sản xuất của chị Mai Thị Vân được đầu tư phòng sấy, máy móc hiện đại.
Đến nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ đỏ của chị tiêu thụ tại các cửa hàng phân phối ở một số tỉnh, thành, như: TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội..., và bán trực tuyến. Với mẫu mã, chất lượng không ngừng được nâng cao, cải tiến và có giá thành hợp lý, sản phẩm tinh bột nghệ đỏ của chị Vân đang tạo dựng được lòng tin và ủng hộ của nhiều người tiêu dùng.
 
Trung bình mỗi năm, cơ sở của chị sử dụng khoảng 60-70 tấn nghệ tươi, sản xuất khoảng gần 4 tấn tinh bột. Chị thu mua từ 700-800 nghìn đồng/tạ nghệ tươi, khi sản xuất thành tinh bột bán với giá từ 30 triệu đến 50 triệu/tấn. Nhờ sấy bằng máy, tinh bột nghệ thành phẩm có màu sáng, đẹp, độ ẩm ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản trong thời gian lâu hơn tinh bột nghệ sản xuất theo phương pháp thủ công.
 
Bên cạnh sản xuất tinh bột nghệ, chị Vân còn tiến hành sản xuất các loại tinh bột sắn dây… Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm trên 500 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 7 lao động với mức lương mỗi tháng từ 6 triệu đồng/người.
 
Với quyết tâm đưa cây nghệ vươn xa, sau nhiều năm ấp ủ, tháng 12-2019, Hợp tác xã (HTX) nông sản Vân Di đã được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh tinh bột nghệ đỏ, sắn dây, bánh xoài... Với những nỗ lực của mình, sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Vân Di được lựa chọn là 1 trong 6 sản phẩm của huyện Lệ Thủy đủ điều kiện tham gia hội thi phân hạng OCOP cấp tỉnh và được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020.
 
Nói về hướng phát triển sắp tới, chị Mai Thị Vân cho biết: “HTX sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc để phát triển các sản phẩm; đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống nhà xưởng khang trang hơn. HTX sẽ nỗ lực sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
 
Theo chị Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN xã Mai Thủy, HTX nông sản Vân Di là mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao tại địa phương, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ. Cơ sở sản xuất của chị Vân còn giúp bà con phát triển diện tích vùng nguyên liệu trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.
 
Phạm Hà