Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

  • 08:06 | Thứ Tư, 13/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang bùng phát tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
 
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc tại các huyện: Bố Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh, làm 197 con trâu, bò mắc bệnh; DTLCP xảy ra tại 28 xã trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố làm 289 con lợn chết, đã tiêu hủy với trọng lượng hơn 14.918kg. Trong đó, có 5 xã trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã qua 21 ngày không phát sinh thêm ổ DTLCP, gồm: Phong Hóa, Cao Quảng, Tiến Hóa, Văn Hóa và Mai Hóa.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, thời tiết thay đổi cực đoan, xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài rất dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đặc biệt, sau lũ lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển.
 
Việc tái đàn, tăng đàn và hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh nhằm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, trong khi công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Hệ thống thú y cấp xã không còn nên công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh chưa chặt chẽ.
 
Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi trên địa bàn các xã còn hạn chế, đặc biệt là sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt dễ dẫn tới tình trạng lây lan DTLCP. 
 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại xã Quảng Tùng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại xã Quảng Tùng.
Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho hay, từ ngày 29-11-2020 đến ngày 3-1-2021, trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xảy ra DTLCP tại 8 thôn ở các xã: Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Phú và Quảng Phương, làm 44 con lợn chết, đã tiêu hủy với trọng lượng 2.199kg. Đến thời điểm hiện tại, bệnh DTLCP trên địa bàn huyện cơ bản đã được khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới.
 
Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trung tâm đã tiếp nhận và phân bổ hơn 4.600 lít hóa chất và thuốc sát trùng cho các địa phương để khử trùng chuồng trại và đàn vật nuôi; phân bổ 7.000 liều vắc xin LMLM, 7.000 liều tụ huyết trùng, 7.760 liều dịch tả lợn, 20.000 liều vắc xin Newcastle…cho các xã trên địa bàn.
 
Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn để ngăn chặn các loại bệnh dịch xuất hiện, bùng phát và lây lan trên diện rộng; đồng thời, khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn chế biến từ gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc.
 
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 32.788 con trâu, 100.577 con bò, 213.735 con lợn và trên 3,1 triệu con gia cầm. Để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, chi cục đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, như: tiến hành phun hóa chất ở các chuồng trại chăn nuôi của người dân, tiêm phòng vắc xin…
 
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã tiêm 115.498 liều vắc xin LMLM trâu bò, 107.292 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 56.194 liều vắc xin dịch tả lợn, tam liên lợn, 20.077 liều vắc xin dại chó, 1.262.895 liều vắc xin cúm gia cầm. Chi cục đã tiếp nhận, cấp phát 20.000 lít hóa chất Benkocid, 20 tấn Chlorine do Trung ương hỗ trợ và 6.800 lít hóa chất trích từ nguồn kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh. 
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện chở gia súc đi qua địa bàn tại chốt kiểm dịch tạm thời phía Bắc.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện chở gia súc đi qua địa bàn tại chốt kiểm dịch tạm thời phía Bắc.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm, cùng với bệnh DTLCP đang bùng phát tại nhiều địa phương, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở tỉnh Hà Tĩnh và có nguy cơ lây lan sang Quảng Bình nếu không có biện pháp phòng tránh tích cực.
 
Để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương vừa tập trung triển khai phương án đẩy mạnh khôi phục sản xuất chăn nuôi sau thiên tai, vừa khẩn trương thực hiện quyết liệt và đồng bộ biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
 
Các địa phương phải kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan, đặc biệt là bệnh DTLCP; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh và các điều kiện về tái đàn lợn; chú trọng việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định.
 
Các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch, đặc biệt là các bệnh mới như bệnh viêm da nổi cục trâu bò; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo làm dịch bệnh lây lan, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
L.Chi