Khẩn trương thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng

  • 15:07 | Thứ Ba, 12/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày qua, Quảng Bình chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây rét đậm rét hại, nhiệt độ duy trì 10-14oC, đặc biệt tại một số địa phương ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, nhiệt độ xuống thấp 8-9oC. Diễn ra đúng thời điểm bà con nông dân các địa phương đang xuống giống gieo trồng vụ đông-xuân 2020-2021, đợt rét ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy cũng như sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
 
Theo kế hoạch vụ đông-xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo cấy 29.500ha lúa. Tính đến nay, các địa phương đã gieo cấy hơn 6.200ha lúa, 1.970ha rau màu, 900ha ngô, 700ha khoai lang. Qua kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn, do rét nên lúa sinh trưởng phát triển chậm. Để gieo trồng bảo đảm lịch thời vụ cũng như giúp cây trồng chống chịu điều kiện bất lợi của thời tiết, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho vụ sản xuất.
 
Ông Nguyễn Văn Trị, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh cho biết, để phòng, chống rét cho lúa đông-xuân, trung tâm đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, như: canh tác, ngâm ủ giống, kỹ thuật bón phân để bà con nông dân toàn huyện chủ động thực hiện ngay từ đầu đợt rét.
 
Trước hết là thực hiện tốt biện pháp canh tác, như: cày bừa kỹ, làm đất bằng phẳng, tạo các rãnh nhỏ xung quanh và giữa ruộng (cứ 2-3m tạo một rãnh) để điều tiết nước dễ dàng, không để nước đọng trên mặt ruộng. Sau khi gieo sạ, cần chú ý điều tiết nước để giữ ấm cho lúa. Lúa từ lúc gieo đến khi được 3-4 lá chỉ cần giữ nước xăm xắp mặt ruộng (1-2cm). Giai đoạn lúa từ 5 lá đến 40 ngày sau sạ, cho nước ngập 3-5cm để thúc đẻ nhánh và chống rét cho lúa, tuyệt đối không được để ruộng khô hạn. 
Đợt rét đậm rét hại ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy cũng như sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Đợt rét đậm rét hại ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy cũng như sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Về kỹ thuật ngâm ủ giống, trong điều kiện trời rét, nhiệt độ thấp như hiện nay, quá trình sinh trưởng của lúa xảy ra chậm, do đó, thời gian ngâm phải kéo dài 36 giờ (thông thường 24 giờ) để hạt giống hút đủ nước. Xử lý hạt giống bằng nước ấm 3 sôi 2 nguội. Thường xuyên thay nước, rửa sạch độ chua do quá trình ngâm hạt giống tạo ra. Ủ chặt để hạn chế oxy, cân đối mầm và rễ, trong quá trình ủ nếu nhiệt độ thấp thì cần kiểm tra và tưới nước ấm để mầm phát triển bình thường.
 
Ngoài ra, kỹ thuật bón phân cũng là biện pháp chống rét có hiệu quả cao. Bón lót sâu, bón phân cân đối, ưu tiên phân chuồng hoai mục và phân lân nhằm tạo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho cây lúa sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống rét. Sử dụng 300-500kg phân chuồng hoai mục kết hợp với khoảng 20-25kg lân, 1,5kg urê và 2-3kg khoáng hữu cơ bón lót cho một sào 500m2 (nếu bón NPK thì bón thêm lân 7-10 kg/sào). Giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh, có thể dùng các loại phân bón lá tăng khả năng chống rét, kích thích ra rễ nhiều, đẻ nhánh mạnh, như: siêu lân, siêu kali...
 
Bà con cần chú ý, không bón bổ sung đạm đơn trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và tiến hành chăm sóc khi thời tiết ấm dần, tranh thủ tỉa dặm, bón thúc sớm bằng các loại phân tổng hợp, dễ hấp thu để lúa đẻ nhánh thuận lợi.
 
Theo lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa vụ đông-xuân 2020-2021, tiến độ gieo cấy chủ yếu của toàn huyện Quảng Ninh sẽ tập trung trong tháng 1-2021. Tuy nhiên, nhờ chủ động các biện pháp chống rét ngay từ đầu đợt rét nên đến nay toàn huyện đã gieo cấy 2.300ha, đạt trên 45% so với kế hoạch.
 
Trước tình hình rét đậm rét hại, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống rét cho cây trồng vụ đông-xuân 2020-2021. Trên cây lúa, biện pháp cấp bách hiện nay là theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chỉ đạo nông dân không xuống giống khi trời đang rét đậm, rét hại (dưới 150C).
 
Đối với lượng giống đã ngâm ủ, cần giữ ấm bằng rơm rạ, chăn vải cũ, tưới nước ấm thường xuyên (54oC); đối với diện tích đã gieo ban ngày nên tiết nước ra không để ngập, ban đêm cho nước vào giữ nước cho gốc mạ. Bổ sung tro bếp và phân chuồng hoai để giữ ấm chân mạ, tăng khả năng chống rét.
 
Nếu giống bắt buộc phải gieo, cần phải làm đất kỹ, nhuyễn bùn, không đọng nước và gieo nặng tay để hạt giống nằm sâu vào trong đất không để lộ thiên trên mặt đất. Lưu ý khi gieo nên chọn một diện tích đất bảo đảm và gieo dày để lấy mạ dự trữ cho vùng bị chết do rét.
 
Trên các cây trồng khác, để bảo đảm chế độ nước tưới thích hợp với từng loại cây trồng, nên dùng phương pháp tưới rãnh bằng cách bơm nước vào rãnh để nước tự ngấm. Có thể sử dụng che phủ nilon vừa chống rét, giữ ấm cho cây trồng, vừa hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại…
 
Bà con cần tăng cường phân chuồng, bón đủ, cân đối, bón đúng lúc để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt; đồng thời, góp phần hạn chế tác hại của thời tiết bất lợi. Cần giảm bón đạm, bón nhiều phân lân, kali trong các đợt rét đậm, giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hóa trong cây được thuận lợi, hoạt động mạnh, cây hút được nước, dinh dưỡng, tăng khả năng chống rét.
 
Thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến bất thường, vì vậy, các địa phương cần tăng cường bám sát đồng ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, bảo đảm an toàn sản xuất vụ đông-xuân.
 
                                                       Đặng Thảo