"Đòn bẩy" phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

  • 14:35 | Thứ Sáu, 22/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân đã được “tiếp sức” xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp về thăm mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới của anh Nguyễn Trung Thành, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh (Quảng Ninh). Hệ thống ba gian nhà màng của gia đình anh được phủ xanh bởi các loại cây, như: dưa lưới, mướp đắng…
 
Anh Thành cho biết, từ lâu anh đã mong muốn xây dựng hệ thống nhà màng để trồng rau sạch nhưng vì kinh phí quá cao nên anh đành tạm gác ý định đó lại. Tháng 5-2020, cơ may đã đến với gia đình anh, anh được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới. Cùng với số tiền vợ chồng tích cóp, anh đã bắt tay xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích 1.000m2.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Trung Thành, xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Trung Thành, xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Vụ mùa đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm, anh chỉ trồng thử 600m2 dưa lưới. Theo anh Thành, trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm, trong đó, ưu điểm lớn nhất là quản lý cây trồng tốt hơn, có thể trồng bất kỳ thời gian nào mà không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, nhà màng giúp khắc phục những bất lợi của thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
 
Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn giúp chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vụ mùa đầu tiên mô hình dưa lưới của gia đình anh Thành cho năng suất cao và thu về gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
 
“400 triệu đồng là một số tiền khá lớn với người nông dân như chúng tôi. Số tiền này không chỉ giúp giải quyết khó khăn ban đầu mà còn là nguồn động viên, động lực để tôi mạnh dạn bắt tay vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ thành công bước đầu, năm nay, tôi đã mở rộng quy mô trồng thêm mướp đắng và dưa lưới tại ba gian nhà màng với diện tích 1.000m2. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhờ được chăm sóc tốt, dưa lưới và mướp đắng của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao”, anh Thành cho biết thêm.
 
Theo ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế, Sở Nông nghiệp-PTNT, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản năm 2020, Sở Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ 2,4 tỷ đồng xây dựng 6 mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Sở đã phân bổ kinh phí và giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ 3 mô hình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 3 mô hình. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn người dân quá trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật.
 
Mô hình trồng các loại rau trong nhà màng của gia đình ông Nguyễn Đình Thế, ở xã Quảng Phương (Quảng Trạch) được thực hiện từ năm 2019. Với diện tích 850m2, ông trồng các loại rau cải, dưa vàng, dưa lưới.
 
Ông Thế chia sẻ: “Việc đầu tư nhà màng hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống song chi phí ban đầu rất lớn. Từ 400 triệu đồng được hỗ trợ, tôi đã đầu tư thêm hệ thống ống nước phục vụ tưới tiêu, mua vật tư, phân bón và một số loại giống mới để mở rộng quy mô nhà màng trồng các loại rau sạch. Ngoài ra, tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng từ cán bộ hướng dẫn thực hiện mô hình”.
 
Nông trại Dream Farm QB của anh Phan Minh Nam, ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch) cũng là một trong những mô hình được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sản xuất nông nghiệp. Từ số tiền được hỗ trợ cùng với vốn đối ứng của gia đình, anh Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích 1.000m2 trồng thủy canh các loại rau và dưa lưới.
 
Anh Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi bền vững mà nông trại Dream Farm QB đang hướng tới. Hiện tại, anh đang trồng các loại rau quả sạch trong nhà kính với diện tích 5.000m2 phục vụ thị trường trong tỉnh. Nhiều loại rau sạch của nông trại Dream Farm QB được người dân trên địa bàn ưa chuộng, đầu ra ổn định, đem lại thu nhập bình quân 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương. 
Hệ thống nhà màng trồng rau sạch đem lại thu nhập ổn định cho anh Phan Minh Nam, xã Phúc Trạch (Bố Trạch).
Hệ thống nhà màng trồng rau sạch đem lại thu nhập ổn định cho anh Phan Minh Nam, xã Phúc Trạch (Bố Trạch).
Theo ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà màng gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu do chi cục hỗ trợ đều đem lại hiệu quả. Sau vụ mùa đầu tiên, các mô hình đều cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Thông qua thực hiện các mô hình, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Nhiều sản phẩm từ các mô hình đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.
 
Thời gian tới, chi cục sẽ chú trọng xây dựng và triển khai hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, đơn vị ưu tiên hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định cho người dân.
 
Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
                                                                                                                             Lan Chi