Ngành dệt may Quảng Bình: Vượt qua thách thức, ổn định sản xuất

  • 08:15 | Thứ Ba, 17/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội bởi tác động của dịch Covid-19 và hậu quả do thiên tai, bão lụt gây ra. Vượt qua thách thức, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tập trung nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trang phục trên địa bàn tỉnh đa phần có nguyên phụ liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc và bùng phát trên diện rộng, nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu may mặc Trung Quốc phải đóng cửa, các cửa khẩu không thông quan… khiến các doanh nghiệp may tỉnh Quảng Bình rơi vào tình trạng thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất. Đến nay, mặc dù các cửa khẩu đã thông quan trở lại, nhưng do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp nên việc sản xuất của các doanh nghiệp may vẫn gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng không ổn định.
 
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) cho biết, các đơn hàng sản xuất của Công ty chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ và EU. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, đơn hàng rất nhiều, việc sản xuất, kinh doanh của Công ty khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của Công ty thay đổi liên tục vì nguyên phụ liệu không đồng bộ, không theo đúng kế hoạch thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty.
 
Bên cạnh đó, khách hàng đồng loạt yêu cầu giảm 80% số lượng đơn hàng, thậm chí có những khách hàng đã hủy đơn hàng và chưa xác định đặt hàng lại với Công ty. Nhiều đơn hàng đã hoàn thành nhưng không xuất được và tồn kho vì thị trường Mỹ, EU đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn về tài chính và việc chi trả lương cho người lao động.
 
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, Công ty TNHH S&D Quảng Bình đã chuyển hướng từ sản xuất mặt hàng sơ mi với số lượng cầm chừng thành sản xuất, gia công xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Nhờ đó, Công ty vẫn duy trì được việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Công nhân Công ty TNHH ĐVH dọn dẹp xưởng may sau lũ lụt.
Công nhân Công ty TNHH ĐVH dọn dẹp xưởng may sau lũ lụt.
Là đơn vị nhỏ, mới thành lập khoảng 2 năm, Công ty TNHH ĐVH (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu các đơn hàng may mặc nhưng không thể chuyển hướng sản xuất. Ông Phạm Thanh Đạt, Giám đốc Công ty TNHH ĐVH chia sẻ: “Các đơn hàng của Công ty chúng tôi đều xuất khẩu sang thị trường Mỹ; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn hàng bị giảm hơn 50% so với năm 2019. Mặc dù rất muốn chuyển đổi sang hướng sản xuất mới, thích ứng với tình hình hiện nay, nhưng tiềm lực về vốn của Công ty không cho phép. Để duy trì hoạt động, Công ty đã phải cắt giảm số lượng công nhân từ 60 người xuống còn 39 người, nỗ lực sản xuất, đáp ứng tốt các đơn hàng có được”. 
 
Không chỉ chịu tác động bởi dịch Covid-19, trong tháng 10 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt mưa lũ lịch sử, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt nên nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn; nước lũ dâng cao khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất. Ông Phạm Thanh Đạt cho biết, xưởng may của Công ty bị ngập sâu hơn 1m, nhiều máy móc, hàng hóa bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Hiện, Công ty đã khắc phục tạm thời các hư hỏng để kịp hoạt động trở lại, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn chồng chất.
 
Cũng như Công ty TNHH ĐVH, nhiều cơ sở may trên địa bàn tỉnh, như: Công ty may Minh Anh (xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn), cơ sở may Hồng Luyện (xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn)… cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, khiến nhiều máy móc, sản phẩm may mặc bị hư hỏng.
 
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, toàn tỉnh hiện có 31 doanh nghiệp may xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lũ lịch sử trong tháng 10, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 100 lao động. Vì vậy, sản lượng sản xuất áo sơ mi toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 13.423 nghìn cái, giảm 8,6% so với năm 2019.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH S&D Quảng Bình vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH S&D Quảng Bình vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
Hiện, Sở Công thương đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020 của Chính phủ cũng như các gói hỗ trợ khác của Nhà nước nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất sớm đi vào hoạt động ổn định. Sở cũng chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, thị trường có tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các chính sách của Nhà nước để sớm tiếp cận với các chính sách hỗ trợ; chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra, các thị trường mới, mặt khác, chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa. Đồng thời, doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ… để vượt qua khó khăn sau mùa dịch, bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định.
 
Lê Mai