Lệ Thủy: Kỳ vọng từ rừng gỗ lớn

  • 10:13 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự hỗ trợ của các dự án phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, người dân huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn. Mặc dù mới đưa vào triển khai, nhưng rừng gỗ lớn đang được kỳ vọng sẽ mở ra cho người dân nơi đây cơ hội lớn để vươn lên làm giàu.
 
Huyện Lệ Thủy hiện có diện tích đất trồng rừng gần 43.000ha. Trồng rừng đã từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng keo, tràm phục vụ cho sản xuất giấy và gỗ dăm nên giá trị kinh tế còn thấp. Để đánh thức tiềm năng sẵn có, huyện đã vận dụng sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt và nguồn vốn chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn.
 Người dân xã Trường Thủy tích cực trồng rừng gỗ lớn.
Người dân xã Trường Thủy tích cực trồng rừng gỗ lớn.
Theo kế hoạch, từ năm 2016-2025, huyện Lệ Thủy sẽ trồng mới 3.000ha rừng gỗ lớn, trong đó, người dân trồng 1.700ha, còn 1.300ha do các tổ chức trồng. Theo chủ trương trồng rừng gỗ lớn, bà con được hỗ trợ 8-10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật. Còn tiền làm đất, công trồng, chăm sóc, bà con sẽ tự đối ứng (khoảng 7 triệu đồng/ha). Từ năm 2016 đến nay, huyện Lệ Thủy đã trồng được 361ha rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã Trường Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy, Mỹ Thủy...
 
Giống cây chủ yếu là cây keo cấy mô. Đây là giống cây có rễ cọc, đồng đều, có sức chống chịu với mưa bão tốt hơn các loại giống keo thông thường. Trung bình mỗi ha rừng gỗ lớn trồng khoảng 2.000 cây. Đến khi cây khép tán (khoảng 4 năm tuổi) thì tỉa thưa, để lại khoảng 1.000 cây và đến 7 năm tuổi tiếp tục tỉa thưa, chỉ để lại khoảng 700 cây. Khoảng 2 tháng sau khi trồng phải kiểm tra lại, nếu vị trí nào có cây chết thì trồng dặm. Trong quá trình tỉa thưa rừng, bà con có thể bán mỗi ha gỗ nguyên liệu khoảng 25 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Trên cùng một đơn vị diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội gấp từ 3 đến 4 lần so với rừng nguyên liệu. Rừng gỗ lớn sẽ hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại, qua đó, giảm thiểu nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất. Ngoài ra, phát triển rừng gỗ lớn còn giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương”. Theo tính toán, cứ mỗi chu kỳ khoảng 10 năm, mỗi ha rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu 6 năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 60 đến 70 triệu đồng.
 
Xã Thái Thủy có gần 4.400ha đất trồng rừng. Trồng rừng đã từng bước đưa đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, rừng nguyên liệu trước đây có giá trị kinh tế thấp, chi phí trồng, chăm sóc cao nên người dân không lãi được nhiều. Để nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất trồng, xã đã vận động bà con chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Năm 2017, xã đã trồng được 10ha rừng gỗ lớn và đến nay đã phát triển lên 99ha. Năm 2020, toàn xã sẽ trồng thêm 56ha và đến năm 2025 sẽ đạt 400ha rừng gỗ lớn.
   Xã Thái Thủy đã trồng được gần 100ha rừng gỗ lớn
Xã Thái Thủy đã trồng được gần 100ha rừng gỗ lớn
Chị Lê Thị Tiềm, một người dân thôn Minh Tiến cho hay: “Trước đây, để trồng rừng nguyên liệu tôi phải đầu tư toàn bộ kinh phí cho khoảng 15 triệu đồng/ha. Nay chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, tôi được hỗ trợ gần 10 triệu đồng để mua phân bón, giống cây và tập huấn kỹ thuật. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên rừng phát triển tốt. Giống keo cấy mô này còn chống chịu gió, bão tốt hơn những giống cây trước đây”.
 
Trước đó, trên địa bàn xã đã có một số hộ dân cải tạo rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn với diện tích khoảng 7ha. Ông Trần Văn Trạng, thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy chia sẻ: “Rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cũng như cải tạo đất tốt hơn rừng nguyên liệu rất nhiều. Vừa rồi, tôi bán 2ha rừng gỗ lớn cũng được trên 300 triệu đồng đó, cao gần gấp đôi rừng nguyên liệu”. Gia đình ông Trạng có 15ha đất trồng rừng, trước đây, ông trồng keo làm nguyên liệu sản xuất gỗ dăm, bột giấy thu nhập thấp. Năm 2015, ông quyết định cải tạo 2,8ha vườn keo của mình thành rừng gỗ lớn. Dù diện tích ít, thời gian trồng chưa được 8 năm, thiếu phân bón, khoa học kỹ thuật, lại trồng từ giống cây giâm hom nhưng vẫn giúp ông thu lãi gấp đôi so với rừng nguyên liệu.
 
Năm 2017, ông Lê Văn Viện, thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy được hỗ trợ 160 triệu đồng từ chương trình phát triển nông nghiệp và mạnh dạn chuyển đổi 20ha đất trồng rừng nguyên liệu của gia đình sang trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, rừng của ông đang phát triển tốt, cây đều và chuẩn bị được tỉa thưa lần thứ nhất.
 
Ông Viện nhớ lại: "Khi đăng ký trồng rừng gỗ lớn, tôi cũng thấy rất lo lắng. Nhưng sau khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhờ sự hướng dẫn, giải thích tận tình của cán bộ kỹ thuật, nên tôi đã hiểu được giá trị của rừng và quyết định đầu tư trồng”. Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy, toàn xã có trên 400ha đất trồng rừng. Trong tương lai, xã sẽ chỉ đạo bà con chuyển qua trồng rừng gỗ lớn.
 
Ông Nguyễn Văn Vương cho biết thêm: "Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng gỗ lớn đúng kế hoạch. Đồng thời, huyện vận động bà con cải tạo một số diện tích rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và thu nhập cho người dân, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phát triển rừng bền vững. Đồng thời, huyện tăng cường liên kết với các nhà sản xuất để bao tiêu sản phẩm rừng gỗ lớn cho người dân. Huyện cũng đã thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững và đang tiếp tục kết nạp thêm hội viên tham gia trồng, quản lý, bảo vệ rừng để hướng tới được cấp Chứng chỉ trồng rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), tạo điều kiện cho gỗ rừng trồng xuất khẩu đi các nước.
 
                                                                                                              Xuân Vương