Nhân rộng mô hình trồng sả ở xã Nam Trạch

  • 08:35 | Thứ Hai, 04/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một số hộ dân tại xã Nam Trạch (Bố Trạch) hiện đang mạnh dạn triển khai mô hình trồng sả lấy tinh dầu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.
 
Những năm trước, xã Nam Trạch ưu tiên phát triển cây cao su, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2013 và bão số 10 năm 2017, diện tích cây cao su bị gãy đổ rất nhiều nên người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó cây sả được ưu tiên đưa vào trồng để phục vụ sản xuất tinh dầu.
 
Chị Trần Thị Như Oanh, thôn Đông Thành, xã Nam Trạch là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng mô hình trồng cây sả cũng như mạnh dạn xây dựng nhà xưởng chưng cất tinh dầu với vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng. Cơ sở có 1 nồi chưng cất, dung tích 1,5 tấn lá/nồi, lò đốt, hệ thống làm mát... Ngoài nguyên liệu là cây sả do gia đình tự trồng, chủ cơ sở còn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sả cho các hộ dân theo giá thị trường.
 
Ước tính, mỗi năm cơ sở của chị Oanh thu mua trên 1.300 tấn lá sả, chiết xuất được 5.000 lít tinh dầu sả. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi lít tinh dầu sả có giá dao động khoảng 1-1,2 triệu đồng/lít. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ dầu sả cũng rất lớn, không chỉ trong xã, huyện mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An... Nhiều công ty cũng tìm đến tận nơi để thu mua làm dược liệu và xuất khẩu. 
Tinh dầu sả Như Oanh đã có nhãn hiệu cũng như truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tinh dầu sả Như Oanh đã có nhãn hiệu cũng như truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo chị Trần Thị Như Oanh, hiện tại, cơ sở đang nấu dầu ở chế độ nấu nồi thủ công. Thời gian tới, cơ sở sẽ đầu tư 4 nồi inox áp suất kéo và cuốn hơi nước, đồng thời, lắp đặt hệ thống điện 3 pha theo công nghệ hiện đại. Sau khi đầu tư thêm máy móc, thiết bị và đi vào hoạt động ổn định, cơ sở sẽ nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm, như: tinh dầu tràm, tinh dầu bưởi….Hiện tinh dầu sả Như Oanh đã có nhãn hiệu, bao bì, cũng như truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên được khách hàng đón nhận.
 
Anh Trần Thế Dũng, thôn Sào Sa, xã Nam Trạch cho biết, một ha trồng sả thâm canhtừ năm thứ hai trở đi có thể thu được 120-150 tấn lá/năm, chưng cất được từ 400-500 lít tinh dầu sả. Ngoài ra,  bà con còn tận dụng bã sả để ủ làm phân bón bán cho công ty hoặc các hộ, cơ sở có nhu cầu với giá 500.000 đồng/tấn.
 
Nhận thấy đây là mô hình khá hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã đang bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng sả, mang lại nguồn thu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Theo nhận xét của người dân, cây sả là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, khô cằn, do đó, diện tích trồng sả của bà con phát triển rất tốt. Việc trồng và chăm sóc cây cũng khá đơn giản, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, dễ trồng, giá trị kinh tế lại cao hơn nhiều so với trồng sắn và lúa nên bà con rất ủng hộ cây trồng này. Bên cạnh đó, tinh dầu sả còn có công dụng rất tốt trong cuộc sống, được nhiều người ưa chuộng, như: dùng làm nước lau sàn nhà, diệt khuẩn, xịt thơm phòng, xe ô tô, xua đuổi muỗi rất hiệu quả và dùng chữa cảm lạnh…
Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu qua trồng cây sả.
Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu qua trồng cây sả.
Hiện nay, tổng diện tích trồng sả của xã Nam Trạch là hơn 16ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở các thôn: Đông Thành, Tây Thành và Sao Sa. Giống sả được người dân lựa chọn là giống sả chanh thơm Ấn Độ và sả Zava. Đến nay, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng sả.
 
Theo ông Đoàn Ngọc Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Trạch, nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sả mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Nam Trạch đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây sả và xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Xã có định hướng xây dựng sả thương phẩm và tinh dầu sả thành sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.
 
Phát triển diện tích, nâng cao năng suất và giá trị thu nhập từ trồng sả thực sự là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân ở Nam Trạch. Hiện, xã đang xây dựng kế hoạch tăng diện tích trồng cây sả lên 35ha.
 
Phạm Hà