Người trăn trở với nông nghiệp sạch

  • 14:10 | Thứ Ba, 19/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh có hàng trăm ha đất cát ven biển, trước đây, hầu hết diện tích này đều bị bỏ hoang, khai thác kém hiệu quả. Nhưng giờ đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư làm trang trại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có anh Đỗ Văn Tùng, thôn Tân Định-người đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch...
 
Trước đây, cũng giống như nhiều người dân khác, anh Đỗ Văn Tùng luôn có suy nghĩ: "Cát trắng và nắng nóng đến cỏ cũng không mọc nổi thì làm sao trồng được các loài cây khác?".
 
Thế nhưng, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thấy nhiều người đã đầu tư và làm giàu trên vùng cát trắng. Riêng ở xã Hải Ninh đã có trang trại Cát Ngọc hay trang trại của Công ty cổ phần Thanh Hương… đi trước và thành công.
 
Từ thực tế đó, năm 2008, anh Tùng đã mạnh dạn học hỏi, thuê 5ha đất cát trắng ở thôn Tân Định lập trang trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà và cá. Hiện trang trại của anh có hơn 500 con lợn, trong đó có 60 con lợn nái để cấp giống, 5.000 con gà thả vườn và gần 1.000m2 ao cá. 
Mặc dù mới thực hiện nhưng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới bước đầu đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Đỗ Văn Tùng.
Mặc dù mới thực hiện nhưng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới bước đầu đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Đỗ Văn Tùng.
Đặc biệt, năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng 1.500m2 nhà lưới để trồng rau, củ, quả sạch đạt chuẩn VietGAP. Anh Tùng cho biết, mặc dù số tiền ban đầu bỏ ra để xây dựng nhà lưới tương đối lớn, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mô hình đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với cách trồng truyền thống. Việc trồng rau, củ trong nhà lưới ngăn không cho côn trùng vào sinh sản, nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh gây hại, hạn chế được thời tiết bất lợi, như: nắng nóng, mưa bão..., nên năng suất cao hơn so với trồng theo phương thức truyền thống.
 
Hơn 12 năm làm nghề chăn nuôi, anh Tùng nhận thấy đầu ra sản phẩm là quan trọng nhất đối với người chăn nuôi và sản phẩm sạch thì thị trường luôn rộng mở. Thời gian trước đây, anh không dùng thức ăn công nghiệp để chăn nuôi mà thay vào đó chỉ sử dụng men vi sinh hoạt tính để ủ chín các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, như: ngô, sắn, lúa nghiền, bã đậu, bã sắn…, để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm (gọi chung là thức ăn sinh học).
 
Theo tính toán của anh Tùng, thức ăn sinh học giá thành thấp hơn so với thức ăn công nghiệp khoảng 30% nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cách nuôi thông thường. Không những vậy, thức ăn lên men vi sinh giúp cho gia súc, gia cầm tăng cường khả năng chống dịch bệnh, chống giun sán, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với thức ăn công nghiệp.
 
Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định, như: ngoại hình của đàn lợn thường không bóng bẩy, thời gian nuôi dài hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm lại không đủ tiêu chuẩn để nhập vào thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, như: các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị...
 
Năm 2018, được sự giúp đỡ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT), anh Tùng mạnh dạn chăn nuôi heo, gà sạch theo hướng VietGAP. Khi mới áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, anh bỡ ngỡ với quy trình nuôi hết sức nghiêm ngặt, như: tiêm vắc xin cho vật nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đánh số theo dõi đối với từng ô chuồng... Mọi hoạt động đều phải được ghi sổ nhật ký từng ngày. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi quy trình chăn nuôi đã được thực hiện một cách bài bản.
 
Nói về lợi ích khi áp dụng quy trình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Tùng cho biết: "Nhờ ghi chép sổ sách từng ngày nên tôi đã theo dõi và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý rất hiệu quả. Hơn hai năm qua, dịch bệnh luôn được kiểm soát tốt, đặc biệt, trong khi cả nước lao đao vì dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại của gia đình tôi vẫn không bị ảnh hưởng, đàn lợn sinh trưởng tốt, lợi nhuận tăng cao. Cũng nhờ được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên có nhiều công ty chế biến thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh liên hệ thu mua lợn thịt, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm".
 
Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được siêu thị Co.opMart Quảng Bình ký hợp đồng tiêu thụ. Hiện anh Tùng đang hoàn tất thủ tục cho các sản phẩm khác của trang trại, như: gà kiến, rau, củ, quả sạch, để cung ứng cho siêu thị trong thời gian tới.
 
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”, từ 5ha đồi cát trắng, với sự cần cù, năng động, sáng tạo anh Tùng đã thu về tiền tỷ mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công và nhiều lao động thời vụ tại địa phương. Hiện trang trại cùa anh đang trở thành mô hình tiêu biểu cho nhiều người dân tham quan học hỏi và áp dụng.
Thanh Hoa