Khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

  • 14:11 | Thứ Bảy, 18/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ các ngân hàng.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 14-2-2020 về Phiên họp thường kỳ tháng 1-2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các công văn, chỉ thị chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị đã tổ chức họp, đề nghị các tổ chức tín dụng theo dõi sát sao tình hình dịch Covid-19, thống kê số tiền thiệt hại, phân nhóm các ngành, nghề chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ lớn đến nhẹ. Từ đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiến hành làm việc với khách hàng, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn”.
 
Tuy nhiên, đến nay, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn trong hệ thống, chưa chủ động hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay… Do đó, nhiều khách hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thế tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ trên.
 
Ông Phan Văn Châu, chủ Pomelo Homestay cho biết: “Để đầu tư mở homestay, tôi có vay một khoản tiền của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Quảng Bình để kinh doanh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, homestay của tôi đã phải đóng cửa mấy tháng nay. Không có nguồn thu nhưng tôi vẫn phải trả lãi cho ngân hàng và một số chi tiêu khác để duy trì homestay nên rất khó khăn. Tôi có hỏi các nhân viên Vietinbank về gói hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng họ nói không có”.
 
Cũng như ông Châu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có vay vốn tại các ngân hàng, như: Sacombank, Agribank…cũng chưa thấy hỗ trợ gì về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay… Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss cho biết: “Chúng tôi có hỏi về chính sách hỗ trợ nhưng bên ngân hàng nói mới có chỉ thị, các hướng dẫn chi tiết chưa có nên chưa áp dụng”.
Các tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng kịp thời các giao dịch của khách hàng trong thời điểm dịch Covid-19.
Các tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng kịp thời các giao dịch của khách hàng trong thời điểm dịch Covid-19.
Trả lời về vấn đề này, ông Lương Hải Lưu, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Quảng Bình cho biết, hệ thống ngân hàng có hỗ trợ thông qua 3 kênh: thứ nhất, đối với các khách hàng không có tiền trả nợ gốc, lãi thì ngân hàng sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 để cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thứ hai, ngân hàng xem xét cho vay mới để bảo đảm các chi phí thường xuyên trong thời gian ngừng hoạt động của doanh nghiệp. Thứ ba, ngân hàng xem xét giảm lãi phí hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Hiện, ngân hàng đã triển khai hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp có vốn vay tại ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp chưa được hỗ trợ, nếu thấy khó khăn không trả được nợ thì doanh nghiệp có thể đề nghị, ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp để tránh không bị nợ xấu. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay thêm để bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ xem xét cho vay bổ sung nếu thấy hợp lý.
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Lưu, gói hỗ trợ tín dụng này không có nguồn hỗ trợ nào từ ngân sách của Nhà nước mà phải tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của từng ngân hàng để triển khai thực hiện. Trong gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, các ngân hàng chỉ cam kết thực hiện một phần trong số đó. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù ngân hàng đã cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, mức độ hỗ trợ có thể chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
 
Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình, sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại khá chậm bởi nhiều lý do, như: Trung ương không có hướng dẫn cụ thể đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất, giải quyết các chế độ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; hướng dẫn thực hiện các cơ chế còn chung chung; các ngân hàng chú trọng thực hiện đủ chỉ tiêu được giao khoán nên không mặn mà với việc thực hiện gói hỗ trợ này.
 
Trước thực tế này, ông Hiếu cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Chỉ thị số 02/CT-NHNN, ngày 31-3-2020 yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng chậm trễ, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đối với tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình yêu cầu doanh nghiệp nào có vướng mắc trong việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng thì gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị sẽ vào cuộc xác minh, nếu doanh nghiệp nằm trong đối tượng được hỗ trợ, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng giải quyết và xử lý nghiêm túc.
                                                                                                                                                              Lê Mai