Sản xuất công nghiệp trong "vòng xoáy" Covid-19

  • 13:50 | Thứ Ba, 10/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và phát triển của cả nước. Các ngành kinh tế của Quảng Bình cũng không nằm ngoài guồng ảnh hưởng đó.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, ngành công nghiệp trong những tháng đầu năm 2020 có tốc độ phát triển khá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng không thể xuất đi, trong khi một số nguyên phụ liệu cũng không thể nhập về, từ đó, tác động lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 Nhiều công ty may gặp khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.
Nhiều công ty may gặp khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: “Nhìn chung, so với cả nước, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang ở mức thấp”.
 
Toàn tỉnh chỉ có 3/22 sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm sản lượng sản xuất so với cùng kỳ năm 2019 (bia đóng chai, cao su chế biến và nhựa thông). Trong đó, riêng bia đóng chai giảm 27%, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhờ vậy, trong quý I-2020, ngành công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 (kế hoạch tăng 8,5%).
 
Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. Nhưng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc các ngành, nghề, như: sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ…, vẫn gặp khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các doanh nghiệp sản xuất trang phục, nguyên phụ liệu sản xuất chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc, các cửa khẩu tạm thời đóng cửa không cho xuất-nhập khẩu, do đó, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất.
 
Bắt đầu từ tháng 2-2020, một số cửa khẩu đã thông quan nên sản xuất bắt đầu phục hồi trở lại. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, như: Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng, Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình vẫn sản xuất bình thường và mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, như: Công ty CP may Đại Thành, Công ty TNHH xuất nhập khẩu may mặc Sen Vàng, Công ty TNHH may Thăng Long... đơn hàng không ổn định và chủ yếu gia công cho doanh nghiệp khác. Hiện nay, các doanh nghiệp này đang sản xuất cầm chừng hoặc có đơn vị đã tạm ngừng sản xuất.
 
Ông Đặng Thăng Long, Giám đốc Công ty TNHH may Thăng Long lo lắng cho biết: “Hiện công ty chúng tôi vô cùng khó khăn do không có nguyên phụ liệu để sản xuất. Chúng tôi đang cố gắng duy trì sản xuất cầm chừng, ngày làm, ngày nghỉ. Tuy nhiên, với tình hình này kéo dài thì thật sự chúng tôi không biết sẽ như thế nào!”.
 
Ngược lại với việc thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất tại các công ty may, các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh lại không thể xuất hàng đi, hoặc số lượng hàng xuất đi bị chậm và ít lại. Cụ thể, các cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu với các sản phẩm cá, tôm đông lạnh, chả cá… có thị trường xuất khẩu chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc. Nhưng, hiện nay dịch Covid-19 đang bùng phát tại các quốc gia này nên việc thông quan và xuất khẩu gặp khó khăn, dẫn đến lượng hàng còn tồn đọng tại các doanh nghiệp khá lớn.
 
Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn, bột dong riềng có thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc nên cũng gặp khó khăn. Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh cho biết: “Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và còn kéo dài nên việc xuất khẩu sản phẩm tinh bột sắn đi thị trường Trung Quốc của Công ty đang quá khó khăn. Giao dịch hợp đồng bán hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch gần như không thể. Mặt khác, trong thời gian này, dù có xuất bán sang Trung Quốc thì chi phí vận chuyển, bến bãi, thực hiện quy định cách ly sau khi giao hàng… quá cao, doanh nghiệp chịu lỗ nên không thể thực hiện được”. Ông Thơ cho biết thêm, hiện số lượng hàng tồn kho của công ty là 3.500 tấn. Lượng hàng hóa tồn kho khá lớn dẫn đến hoạt động thu mua nguyên liệu sắn củ cho người dân gặp khó khăn vì thiếu vốn.
Lượng hàng tinh bột sắn tồn kho khá lớn tại Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh.
Lượng hàng tinh bột sắn tồn kho khá lớn tại Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh.
Cũng có thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Trung Quốc, Mỹ, việc xuất hàng của các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ, gỗ ván ép xuất khẩu đang bị chậm lại. Theo báo cáo của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), hiện các doanh nghiệp còn hơn 71 containe hàng chưa được xuất. Cùng với đó, việc sản xuất mặt ván phủ phim cũng gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu (nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc).
 
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngày 6-3-2020, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn số 310/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nghiệp tỉnh… nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, phản ánh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhanh chóng, thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, thực hiện miễn, giảm lãi suất, giãn nợ… cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
                                                                                                                                     Lê Mai