Bố Trạch: Đẩy mạnh chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân

  • 08:39 | Thứ Sáu, 20/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2019-2020, toàn huyện Bố Trạch đã tận dụng tối đa các diện tích để sản xuất, gieo trồng các loại giống lúa và hoa màu. Ngoài ra, Bố Trạch còn mở rộng chuyển đổi nhiều diện tích đất kém hiệu quả, đất gò đồi để xuống giống nhiều loại cây trồng, cây dược liệu quý…
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Tính đến nay, các địa phương trên toàn huyện đã hoàn thành việc gieo giống các loại cây trồng vụ đông-xuân. Điều đáng nói, người dân trên địa bàn đã tận dụng tối đa và mở rộng các diện tích đất để sản xuất, không có diện tích nào bị bỏ hoang”.
 
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện đã gieo cấy 5.100ha lúa, 850ha lạc, 780ha ngô, 3.400ha sắn, hơn 500ha rau màu các loại. Tất cả các loại cây trồng đều tăng diện tích so với năm trước.
 
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tận dụng tiềm năng dồi dào về đất đai đã mở rộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Điển hình, các xã: Sơn Lộc, Cự Nẫm, Vạn Trạch trồng cà gai leo, đinh lăng; xã Phú Định, thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Hòa Trạch phát triển hồ tiêu; xã Sơn Lộc, Phúc Trạch xuống giống sâm Bố Chính; xã Nam Trạch trồng ngô sinh khối... 
Bà con nông dân huyện Bố Trạch tích cực chăm sóc lúa đông-xuân.
Bà con nông dân huyện Bố Trạch tích cực chăm sóc lúa đông-xuân.
Ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch chia sẻ: “Vụ đông-xuân năm nay, ngoài các diện tích lúa, sắn, mía, toàn xã trồng được 300ha ngô sinh khối với 2 loại giống chủ lực là NK4300 và NK7328, diện tích đạt kế hoạch đề ra. Nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc chăm sóc có kinh nghiệm từ vụ ngô năm trước nên dù bị nhiễm ít sâu keo nhưng đa phần diện tích ngô vẫn phát triển tương đối tốt. Đến thời điểm này, khi các loại cây trồng vừa hoàn thành xuống giống, thì cây ngô sinh khối đang vào vụ thu hoạch; năng suất sinh khối lớn, ước đạt từ 45-50 tấn/ha”.
 
Toàn xã Cự Nẫm gieo trồng 420ha lúa, 70ha ngô lấy quả và 20ha lạc. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã, hiện nay, thời tiết có nắng, nên ngoài một số diện tích lúa bị bọ trĩ gây hại, thì phát sinh thêm bệnh đạo ôn trên cây trồng. Xã đang chỉ đạo bà con kịp thời tiến hành các bước phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cho cây trồng phát triển tốt. Dự kiến, khoảng đầu tháng 5, các loại cây trồng sẽ cho thu hoạch.
 
Tại xã Sơn Lộc, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình đã chuyển đổi đất trồng cao su và mở rộng thêm diện tích đất khác để xuống giống trên 20ha dược liệu các loại, gồm: sâm Bố Chính, cà gai leo, kim tiền thảo và chè vằng. Từ mô hình này, Công ty đã tạo được việc làm thường xuyên cho 11 lao động và 20 lao động thời vụ,  mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời gian qua, nông dân huyện Bố Trạch tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng và tiếp tục xuống giống cây ở một số diện tích còn lại. Ngay từ đầu vụ, lãnh đạo huyện Bố Trạch đã chỉ đạo chính quyền các địa phương chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu giống cây trồng của người dân, phối hợp với các trại giống cung ứng 250 tấn giống có chất lượng cao để bà con sản xuất. Theo tiến độ, nhờ nông dân trên địa bàn tích cực ra đồng làm cỏ, bón phân... nên các loại cây trồng  sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Tuy nhiên, do thời tiết ban đêm sương mù nhiều, ngày nắng nên trên địa bàn hiện có khoảng trên 100ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng của các trà muộn bị bọ trĩ, sâu keo, đạo ôn gây hại; trong đó, có khoảng 10ha bị sâu bệnh nặng. Diện tích bị sâu bệnh tập trung tại các xã, như: Hưng Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch, Cự Nẫm, Bắc Trạch, Vạn Trạch, Đại Trạch...
 
Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã có hướng dẫn và trực tiếp cử cán bộ về các địa bàn để hỗ trợ bà con chăm sóc và phòng chống bọ trĩ, đạo ôn lây lan, gây hại. Trong đó, Phòng khuyến cáo bà con chú trọng vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, nhất là cỏ môi cũng là ký chủ chính của bọ trĩ; sử dụng các loại thuốc, như: Armada 50EC, Bassa 50EC, Anvado 100WP+20 ml, thuốc FM-Tox 50EC pha với nước phun lên diện tích lúa bị bệnh đúng liều lượng đã chỉ dẫn; kết hợp với một số loại phân bón lá, như: siêu ra rễ, siêu lân, NuRoots (kích thích ra rễ cực mạnh)…, để kích thích cây lúa phát triển.
 
Đồng thời, Bố Trạch cũng chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây trồng và diễn biến thời tiết, có biện pháp chăm sóc cây trồng hợp lý, đạt tiến độ và chủ động có các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh xảy ra, bảo đảm cho một vụ mùa thắng lợi. Dự kiến vào khoảng đầu tháng 5, các loại cây trồng bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch.
Hương Trà