Tích cực chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

  • 11:26 | Thứ Ba, 25/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch cúm gia cầm, chính quyền, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi toàn tỉnh đang tập trung công tác phòng, chống.
 
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu tháng 1-2020 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 1-2-2020, ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, buộc tiêu hủy 17.828 con gia cầm. Tại Việt Nam, trong năm 2019, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 133.203 con gia cầm, các ổ dịch xuất hiện trên đàn gà chiếm 94%. Tính đến nay, cả nước có trên 15 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N1 và H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm tại các tỉnh, như: Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An, Trà Vinh…
 
Tại tỉnh Quảng Bình, hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp phát sinh ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, kết quả lấy mẫu giám sát chủ động năm 2019 cho thấy vi rút cúm A/H5N1 vẫn lưu hành, tồn tại ở các ổ dịch đã từng xảy ra trước đây. Hiện nay, nguy cơ bệnh xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do điều kiện thời tiết giao mùa phức tạp kết hợp nhu cầu tái đàn, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm đầu năm tăng cao. Thêm nữa, việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm tại các địa phương trong năm 2019 đạt tỷ lệ rất thấp và chưa tiêm phòng đợt 1 năm 2020.
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tiêu độc khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tiêu độc khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nếu xảy ra dịch cúm gia cầm, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và người chăn nuôi nói riêng. Bởi sau ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm nên đàn gia cầm trên địa bàn tăng lên đáng kể. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có 3.818.947 con (trong đó, gà: 3.145.380 con, vịt: 453.730 con...), tăng 9% so với cùng kỳ. Việc tăng đàn gia cầm cũng góp phần tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm.
 
Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm, người dân, các cấp chính quyền, cùng cơ quan chức năng đang tập trung công tác phòng, chống.
 
Toàn huyện Lệ Thủy có 65 trang trại chăn nuôi (trong đó, có 15 trang trại chăn nuôi gia cầm, 35 trang trại tổng hợp và 15 trang trại chăn nuôi lợn, các loại khác) và hàng trăm gia trại chăn nuôi theo hộ gia đình. Tổng đàn gia cầm toàn huyện 1.210.000 con, trong đó phần lớn là gà. Ông Nguyễn Bá Tuân, chủ một trại chăn nuôi gia cầm lớn ở thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy cho hay: “Để ứng phó với tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, gia đình tôi thực hiện phương châm phòng là chính. Hàng ngày, tôi thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn gia cầm, phối hợp với cán bộ chuyên môn phun tiêu độc, khử trùng”.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Nhằm chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, Phòng đã trực tiếp về làm việc với các xã trọng điểm chăn nuôi và có nguy cơ xảy ra dịch để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách phòng, chống, như: tiêm phòng, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các các trang trại, gia trại chăn nuôi; tăng cường công tác quản lý các hộ giết mổ, vận chuyển gia cầm; giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch phòng dịch bệnh trên cạn. Đồng thời, Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc gia cầm nhập, trung chuyển qua địa bàn…”.
 
Tại huyện Quảng Trạch, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng đang được triển khai hết sức khẩn trương, nghiêm túc. Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Hiện huyện đang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hết sức quyết liệt. Theo đó, UBND huyện đã có công văn gửi đến các cơ quan, địa phương trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, cử các thành viên trong ban về các xã để nắm tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống”. Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có trên 478.000 con gia cầm các loại. Gia cầm ở đây chủ yếu được nuôi theo kiểu gia trại.
 
Để phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi-Thú y đã cấp cho huyện 1.000 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng. Đồng thời, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, kiểm soát việc mua bán gia cầm trên địa bàn 24/24 giờ. Huyện cũng đã tuyên truyền cho người dân không ăn gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn.
 
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Hiện Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo gửi đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm dịch động vật; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát phát hiện mầm bệnh cúm gia cầm tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ để chủ động phòng, chống dịch”…
 
Xuân Vương-Ngọc Hải