Sắc hoa trên vùng đồi

  • 08:27 | Chủ Nhật, 19/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ thành công với nhiều loại hoa nở tứ mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng hoa đầu tiên trên vùng đất đồi ở xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) còn mở ra nhiều triển vọng, trở thành một điểm du lịch độc đáo trên quê hương di sản.
Khách hàng đến tham quan và chọn mua cây giống tại vườn hoa của gia đình anh Lương Thanh Hải, ở thôn Dinh Lễ, xã Vạn Trạch.
Khách hàng đến tham quan và chọn mua cây giống tại vườn hoa của gia đình anh Lương Thanh Hải, ở thôn Dinh Lễ, xã Vạn Trạch.
Hiện nay, trên địa bàn vùng đất đồi xã Vạn Trạch và một số xã lân cận chỉ duy nhất có một mô hình trồng hoa với quy mô lớn. Dù thời tiết, khí hậu có khắc nghiệt, các loại hoa nơi đây vẫn đua nhau khoe sắc trong nắng xuân. Đó là mô hình chuyển đổi diện tích keo, tràm kém hiệu quả trên vùng đất rừng Rường Tập ở xã Vạn Trạch sang trồng hoa. Chủ nhân của vườn hoa đang được khá nhiều người trong và ngoài huyện biết đến là anh Lương Thanh Hải (sinh năm 1981) và chị Dương Thị Tiên (sinh năm 1983), ở thôn Dinh Lễ, xã Vạn Trạch.
 
Từng đi xuất khẩu lao động ở 4 nước, cuối cùng, anh Hải quyết định trở về quê đầu tư trồng hoa, thỏa niềm đam mê từ khi còn trẻ. Anh Hải kể: “Tôi vốn thích trồng và chăm sóc hoa từ nhỏ. Nhưng vì nhà nghèo, lúc bấy giờ, nhận thấy đất đai ở quê bạc một màu, cây gì cũng khó sống, huống gì là hoa, nên quyết định rời xa quê hương để kiếm sống. Tôi từng lao động ở Malaysia, Singapore, Nhật Bản và lâu nhất là nước Nga.
 
Tổng cộng có 13 năm (2005-2018) lao động nơi đất khách quê người. 5 năm đầu, tôi lao động vất vả tại 3 nước nhưng hầu như không kiếm dư được đồng nào. Những lúc khốn khó, muốn trở về quê nhưng trong tay không có đồng vốn, tôi lại cố gắng. Đến năm 2010, tôi sang làm việc ở nước Nga. Từ đây, tôi mới tích lũy được một ít vốn liếng”.
 
Trước khi quyết định trồng hoa, anh Hải cũng có một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cách thức trồng hoa ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam, rồi bao đêm trăn trở: “Sao đất đai ở quê nhiều, nhưng chỉ mãi “bấp bênh” với củ khoai, củ sắn..., còn hoa phải nhập ở nơi khác về để tiêu thụ với giá cao?”. Đầu năm 2018, anh Hải, chị Tiên đã quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn tích lũy được trong thời gian xuất khẩu lao động để chuyển đổi 1,2ha đất trồng keo, tràm sang trồng các loại hoa, ươm các loại giống, như: hoa hồng đủ các màu, đào, lay ơn, hướng dương, cúc...
 
Giờ đây, đã qua hai mùa xuân “ăn, ngủ” cùng cây hoa, “đất quê không phụ công người”, anh Hải, chị Tiên có một vườn hoa đủ sắc màu và các giống hoa phát triển gần như quanh năm, “mùa nào thức nấy” cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện.
 
Tự tin với những kinh nghiệm chăm hoa, nụ cười tươi tắn trên môi, chị Tiên góp chuyện: “Nhiều người ở khá xa, như ở thành phố Đồng Hới hay tận thị xã Ba Đồn, tìm đến chọn mua hoa và trở thành khách hàng thân thiết với chúng tôi hơn một năm qua. Những khách hàng mới đến mua, tôi tin là sẽ quay trở lại”.
Chị Dương Thị Tiên (vợ anh Hải) cũng có đam mê trồng và chăm sóc hoa.
Chị Dương Thị Tiên (vợ anh Hải) cũng có đam mê trồng và chăm sóc hoa.
Để có một vườn hoa đẹp với đủ các loại trên vùng đất khô cằn, anh Hải không ngại đầu tư, thử nghiệm với khá nhiều công sức và tiền của. Dẫn chúng tôi thăm vườn hoa, anh Hải chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng đầu tư khá nhiều tiền cho công trình trồng hoa trong nhà kính. Hoa nhà kính dễ chăm sóc, phát triển nhanh, ít sâu bệnh, hình thức đẹp, nhưng “tuổi thọ” rất ngắn. Ngược lại, hoa ở ngoài gần gũi thiên nhiên thì khó chăm vì nhiều sâu bệnh, phát triển chậm, hoa không “mượt mà” lắm, nhưng lại rất bền bỉ với thời gian. 
 
Nếu khách mua cây về trồng cũng rất dễ thích nghi. Một điều quan trọng nữa là hoa ở đây, chúng tôi hoàn toàn không dùng thuốc kích thích và hạn chế thấp nhất các loại thuốc diệt sâu bệnh. Như vậy, vừa thân thiện, bảo đảm môi trường sống, vừa giữ gìn sức khỏe cho người trồng và an toàn cho khách hàng mua, sử dụng. Chính vì vậy, mà dù xa xôi nhưng khách hàng đã đến một lần thì thường xuyên ghé lại vườn hoa nhà tôi để chọn mua. Điều này làm tôi vui nhất và là động lực để tôi cùng vợ tiếp tục có dự án mới trong năm mới 2020 này”.     
 
Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho biết: “Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ về tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng cao, việc tiêu thụ các loại hoa trên thị trường khá ổn định, nhất là các giống hoa được gieo trên vùng đất khắc nghiệt đang được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, hiệu quả ban đầu từ mô hình hoa của anh Hải, chị Tiên mới được tính sơ bộ. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hải thu lãi khoảng hơn 150 triệu đồng/năm.
 
Nhưng quan trọng hơn, mô hình này trước mắt đã giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiên phong, được đánh giá cao về hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường mà xã sẽ khuyến khích, nhân rộng”. 
 
Anh Hải tính toán: “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, quy hoạch lại một cách bài bản toàn bộ diện tích trồng, gieo giống hoa các loại. Trong đó, tôi sẽ bố trí hệ thống nước khoa học để tưới cho hoa; chú trọng phân biệt khu vực giữa các màu hoa và chọn loài hoa có màu sắc nhã nhặn, bố trí địa điểm phù hợp để thu hút khách du lịch ghé chiêm ngưỡng, chụp ảnh; đặc biệt, bố trí đèn chiếu sáng phục vụ du khách về đêm.
 
Hiện, xung quanh khu vực này đã có rừng tràm bao quanh rất xanh mát. Hy vọng việc cải tạo vùng đất khô cằn này trở thành vùng sinh thái mát mẻ sẽ tạo ấn tượng và thu hút du khách thập phương đến với Vạn Trạch ngày càng nhiều, góp phần phát triển du lịch trên quê hương di sản Bố Trạch”.
 
                                                                               Hương Trà