"Mở lối" nông thôn mới miền núi...

  • 08:30 | Chủ Nhật, 26/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã miền núi trên địa bàn tỉnh đang “tụt” lại phía sau vì những rào cản về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi, huyện Lệ Thủy đã chủ động “vực dậy” phong trào xây dựng NTM ở miền núi bằng những lý giải và hóa giải theo cách riêng có của mình.
 
1. Tính đến thời điểm này, Quảng Bình đã có quá nửa số xã cán đích NTM. Các địa phương còn lại chỉ còn một số ít tiêu chí để chạm đích. Thế nhưng, 10 năm qua có vẻ như “cuộc đua” nói trên chỉ diễn ra giữa các xã ở vùng đồng bằng, còn đối với các địa phương ở miền núi, câu chuyện đạt chuẩn NTM vẫn còn “xa vời”. Nói xa vời là bởi, thực tế số xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đang bị “tụt” lại phía sau rất xa, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên vẫn là điệp khúc cố hữu, như: do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội. Những khó khăn đó đã dẫn đến tình trạng hầu hết các địa phương này gần như vẫn “dẫm chân” tại chỗ sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM.
 
Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm gần 53%. Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, Hoàng Lý cho biết: “Lâm Thủy là xã miền núi, vì vậy, đời sống kinh tế người dân còn quá thấp, trình độ nhận thức hạn chế. Đó là những rào cản lớn, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn, thì bà con lấy đâu ra để đóng góp. Đành phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước cả thôi. Toàn xã có gần 360 hộ dân, nhưng chỉ có hơn 140ha rừng sản xuất và gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp, câu chuyện cả trước mắt và lâu dài mà bà con cần thiết hơn cả chính là sinh kế và việc làm”. 
Một góc bản Xà Khía (xã Lâm Thủy).
Một góc bản Xà Khía (xã Lâm Thủy).
Ngay kế cận là xã Ngân Thủy cũng đang trong tình trạng tương tự. Hiện nay, xã này chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí. Đề cập đến câu chuyện về đích NTM, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) cho rằng: “Với địa phương, việc hoàn thành các tiêu chí còn lại đang là điều vượt “quá sức”. Phải có những cơ chế, chính sách “đặc thù” và tập trung nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ, thì ít nhất trong 5 đến 10 năm tới, may ra xã chúng tôi mới có cơ hội”.
 
2. Theo ông Lê Văn Bảo, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, việc xây dựng NTM ở các xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chưa vội phải bắt đầu từ những điều gì lớn lao, mà cần phải có những chủ trương, chính sách thực sự thiết thực với mỗi người dân nơi đây. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, việc giải quyết được bài toán sinh kế cho bà con được xem là vấn đề “then chốt” để mở tiếp những “cánh cửa” khác.
 
Vậy, để thực hiện được điều đó, địa phương phải bắt đầu từ đâu? Ông Bảo cho rằng, do những đặc thù như vậy, thế nên điểm khởi đầu, cách thức triển khai xây dựng NTM ở các địa phương này cũng phải khác biệt so với các địa phương ở vùng đồng bằng. Nếu bắt đầu chương trình từ quy mô cấp xã thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên phải bắt đầu từ đơn vị nhỏ hơn, như cấp thôn, bản. Theo đó, mỗi xã sẽ chọn một bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng bản trở thành một “điểm sáng”, một mô hình kiểu mẫu trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế-xã hội để từ đó lan tỏa, mở rộng sang các bản, làng khác.
 
Trong khi điều kiện của người dân ở đây không giống như những vùng khác, việc phát huy, huy động sức dân trong đồng bào như thế nào? Ông Bí thư Huyện ủy vỡ vạc cho chúng tôi rằng, cách hiểu khái niệm sức dân ở đây cũng có nhiều khác biệt. Sức dân ở đây không có nghĩa là huy động nguồn lực trong dân để đầu tư hạ tầng, mà thông qua công tác tuyên truyền và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, làm cho người dân tự ý thức được việc xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào, thay đổi lối sống, gìn giữ môi trường.
 
Đối với đồng bào, nguồn lực đầu tư không phải càng lớn, càng mang lại hiệu quả cao, mà đòi hỏi mỗi một dự án, chương trình hỗ trợ phải thiết thực, cụ thể và bám sát nhu cầu của từng hộ gia đình.
 
3. Sau khi ý tưởng về việc xây dựng bản NTM, trên cơ sở bộ tiêu chí “Công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM” của UBND tỉnh, đầu năm 2019, huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng tiến hành rà soát các tiêu chí tại các bản ở 3 xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Theo đó, 3 bản được chọn để xây dựng bản NTM làm điểm là bản Khe Khế của xã Kim Thủy, bản Còi Đá của xã Ngân Thủy và bản Xà Khía của xã Lâm Thủy. Qua rà soát, 3 bản đều đạt từ 9 đến 10/16 tiêu chí của tỉnh. Sau khi kiểm tra, rà soát và tham khảo ý kiến của Bí thư chi bộ, trưởng bản và UBND xã, huyện thống nhất sẽ hỗ trợ một phần nguồn vốn Nhà nước và huy động nguồn xã hội hóa để hoàn thiện đối với các tiêu chí chưa đạt. Mục tiêu đề ra là đến hết năm 2020, 3 bản nói trên sẽ đạt chuẩn NTM.
 
Trưởng bản Còi Đá (xã Ngân Thủy) Hồ Minh Vừa vui mừng ra mặt vì bản mình được huyện chọn xây dựng bản NTM. Hồ Minh Vừa thật thà chia sẻ: “Trước đây, ngay cả bản thân mình còn nghĩ xây dựng NTM là chủ trương của Đảng và Nhà nước thì Nhà nước phải lo cho mình, cho dân bản. Thế nhưng, sau khi tham dự nhiều cuộc họp, nhiều hội nghị của xã, mình mới thấm hiểu, dân bản mới là người làm nên bản NTM, xã NTM. Giờ Còi Đá được chọn xây dựng điểm bản NTM để làm mẫu cho những bản làng khác trong xã, dân bản và mình vui “cái bụng” và tự hào lắm lắm!”.
 
Không giấu được niềm vui, Hồ Minh Vừa cho biết, bản Còi Đá hiện đã sử dụng 100% diện tích đất rừng được giao (khoảng 100ha) và sản xuất thường xuyên trên diện tích 6ha lúa nước (năng suất bình quân hơn 44 tạ/ha) và 11ha đất hoa màu. Cuộc sống người dân đã dần đi vào ổn định... Với những gì đang có, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn hết năm 2020, bản Còi Đá sẽ đạt các tiêu chí bản NTM.
 
Dương Công Hợp