Bố Trạch:

Nhiều giải pháp căn cơ để giảm nghèo

  • 08:05 | Thứ Bảy, 11/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích, huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để người lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, nâng cao mức sống, phấn đấu vì mục tiêu giảm nghèo bền vững. 
 
Cũng như nhiều lao động trên địa bàn huyện, trước đây, chị Hoàng Thị Thảo (sinh năm 1983, ở thôn Lý Sơn, xã Sơn Lộc) bộn bề với nỗi lo cơm áo. Nhà có 4 người nhưng mỗi chồng chị Thảo mưu sinh với nghề đi biển, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vất vả. Từ ngày chị được vào làm việc ở Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (HTX Tuấn Linh), mọi thứ đã dần đổi thay. 
Bố Trạch thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động có việc làm ổn định, nâng cao mức sống.
Bố Trạch thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động có việc làm ổn định, nâng cao mức sống.
Kể về quá trình dài tìm việc làm, chị Hoàng Thị Thảo cho biết: “Gia đình tôi nghèo, mỗi chồng làm lụng nuôi cả nhà có 4 miệng ăn, con cái ngày càng lớn, nhu cầu học hành nhiều, bản thân tôi vốn bị dị tật. Cứ như vậy, ở nhà loay hoay, cái đói, cái nghèo bám theo mãi. May mắn trên địa bàn có HTX Tuấn Linh, tôi được nhận vào và HTX tạo điều kiện cho tham gia tập huấn, học việc. Đến nay, tôi đã thành thạo với công việc nhẹ nhàng, như: đóng phôi nấm, thu hoạch nấm... Cuộc sống từ đó cũng dần thay đổi. Giờ đây, có việc làm phù hợp với sức khỏe, lại gần nhà, mỗi tháng thu nhập của tôi từ 4 triệu đến 5 triệu đồng, góp phần trang trải cho cuộc sống ổn định hơn”.
 
Để giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là tại các xã nghèo, những năm qua, huyện Bố Trạch triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huyện chỉ đạo tổ chức các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, hợp tác xã, trang trại và doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân liên kết nhằm thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động. Vì vậy, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: HTX Tuấn Linh, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Bình Dương, Công ty TNHH Sơn Trung Du, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình...
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch trao đổi: Trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh, các địa phương trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện công tác đào tạo nghề, như: nghề chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, nuôi ong mật, kỹ thuật nấu ăn, lễ tân nhà hàng, tiếng Anh...huyện còn chỉ đạo Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm phối hợp đào tạo, tạo việc làm cho lao động sau khi học nghề cũng như bao tiêu các sản phẩm làm ra. 
Doanh nghiệp trên địa bàn Bố Trạch phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Doanh nghiệp trên địa bàn Bố Trạch phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Nhờ đó, trên 70% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới ở địa phương gắn với sản xuất nông nghiệp; một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Từ 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.170 học viên là lao động nông thôn và đào tạo cho 848 học viên là lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển; hỗ trợ cho 850 lao động thuộc gia đình bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tự đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo.
 
Nhờ triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp về công tác giải quyết việc làm, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 17.516 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 3.504 lao động.
 
Bố Trạch cũng tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh xuất khẩu lao động nhằm tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín về tại các địa phương tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài chấp hành đầy đủ quy định về chế độ, kỷ luật nhằm giảm thiểu số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước...
 
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đã đưa nội dung xuất khẩu lao động gắn với giảm nghèo vào nội dung vay vốn chính sách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn nguồn ưu đãi. Toàn huyện đã có 166 hộ ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động người nước ngoài; 216 hộ vay vốn theo chương trình ký quỹ vay vốn đi xuất khẩu lao động tại các nước khác với tổng số dư nợ 23.480 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, Bố Trạch có 5.224 người xuất khẩu lao động.
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, huyện Bố Trạch tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào khai thác các lĩnh vực thế mạnh của huyện, nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động.
 
Huyện cũng tập trung mọi nguồn lực để cùng với các nhà đầu tư triển khai nhanh, hiệu quả các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp tới thâm nhập, tuyển dụng lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện Bố Trạch”. Từ đó, phấn đấu giai đoạn 2020-2025, Bố Trạch giải quyết việc làm mới cho 3.000-3.500 lao động/năm, trong đó xuất khẩu lao động từ 1.000-1.200 người/năm; nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện năm 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm.
 
                                                                                      Hương Trà