"Tiêu chí 20" trong xây dựng nông thôn mới-Kỳ 1: "Bài toán" thu nhập có lời giải-mấu chốt của sự hài lòng

  • 09:57 | Thứ Hai, 23/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Suốt 1 thập kỷ, 19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đồng hành cùng với từng vùng quê, từng tên đất tên làng, chứng kiến biết bao sự đổi thay từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống… cho đến diện mạo, cảnh quan, môi trường sống… Cùng với đó, nhiều làng quê đáng sống đã xuất hiện, khoảng cách thành thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng được thu hẹp, rút ngắn. Quan trọng hơn, sự hài lòng của người dân chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay mang tầm thời đại này. Và đó được ví như "tiêu chí 20" của xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, để người dân hài lòng với xây dựng nông thôn mới, một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu chính là phải bảo đảm thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao mức sống bền vững cho mỗi người dân nông thôn.

Với mô hình HTX, người dân Văn Thủy được bao tiêu sản phẩm tinh bột nghệ, vơi bớt nỗi lo được mùa mất giá.
Với mô hình HTX, người dân Văn Thủy được bao tiêu sản phẩm tinh bột nghệ, vơi bớt nỗi lo được mùa mất giá.

Có như vậy, người dân mới thực sự tâm huyết với công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiệt thành đóng góp sức người, sức của và thực sự trở thành chủ thể nông thôn mới.

Trước khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, "vựa rau" Đồng Trạch của huyện Bố Trạch đứng trước những ngổn ngang, khi xuất phát điểm ở mức thấp, đa số người lao động trình độ văn hóa bậc THPT hoặc thấp hơn, mặt bằng dân trí không đồng đều, cơ chế giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập, nông dân không đủ nguồn vốn để mạnh dạn đầu tư vào các mô hình phát triển nông nghiệp.

Có thế mạnh về rau, nhưng rau Đồng Trạch chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân vẫn áp dụng cách thức canh tác cũ, không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Lão nông Dương Đức Trong (thôn 3, xã Đồng Trạch) tất bật trong căn nhà mới khang trang đang được hoàn thành để kịp đón xuân Canh Tý. Là một trong những hộ dân có diện tích trống rau lớn (hơn 1 sào) và lâu năm (15 năm) của xã Đồng Trạch, gia đình ông mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới, mở rộng dần diện tích trồng rau sạch.

Ông hào hứng chia sẻ, những năm trở lại đây, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, ông được mở mang kiến thức, trồng rau khoa học và an toàn. Căn nhà này là thành quả từ ruộng rau và thu nhập của hai con đi xuất khẩu lao động.

Ông Dương Đức Thọ, cán bộ phụ trách nông nghiệp, UBND xã Đồng Trạch cho biết, 80ha trồng rau của Đồng Trạch như được "khoác áo mới" sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Các hình thức canh tác truyền thống, như: sử dụng phân tươi được thay thế hoàn toàn bằng phân hữu cơ, an toàn sinh học, hệ thống tưới tiêu tự động, chú trọng chất lượng giống rau… Tin vui là xã đã xây dựng được 1 nhãn hiệu rau an toàn VietGAP.

Thống kê của Ủy ban MTTQVN tỉnh cho thấy, năm 2018, trung bình 93% người dân ở 10 xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hài lòng với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch Trần Ngọc Phương chia sẻ thêm, với 540 triệu đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình từ năm 2012-2019, xã đã hỗ trợ đầu tư cho các hộ chăn nuôi VAC, tổ hợp tác rau an toàn, mô hình trình diễn lúa nước chất lượng cao, cũng như đầu tư hệ thống cấp thoát nước, điện lưới…

Nhờ những nỗ lực đó, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn được nâng lên đáng kể. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã là 18 triệu đồng/người/năm thì đến nay con số này tăng lên 47,8 triệu đồng/người/năm.

Nếu xã Đồng Trạch đổi thay từ nghề trồng rau truyền thống, thì người dân Văn Thủy (Lệ Thủy) lại làm giàu từ một nghề "quen mà lạ, lạ mà quen", bởi nghề chế biến tinh bột nghệ đã được chị em phụ nữ vùng gò đồi Văn Thủy quen thuộc từ lâu, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, "mạnh ai người nấy chạy". Tháng 6-2018, HTX SXKD chế biến nông sản Lệ Thủy ra đời, góp phần kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, với 12 thành viên, HTX được đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn sạch, như: tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong… Các sản phẩm được đóng chai, có nhãn hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ khi có HTX, đầu ra của sản phẩm được ổn định hơn, thậm chí nhu cầu thị trường còn tăng cao, vơi bớt nỗi lo được mùa mất giá. Ngoài ra, HTX là đơn vị đầu mối bao tiêu sản phẩm nghệ củ cho các xã khác, như: Mai Thủy, Thái Thủy, Phú Thủy, Trường Thủy, Kim Thủy…

Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Thủy chia sẻ, hiện trên địa bàn xã có 2 HTX về chế biến lâm sản và nông sản, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời xây dựng được chuỗi liên kết cho nông dân.

Nhờ đó, thu nhập người dân Văn Thủy có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người là 15,7 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 39,93 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, xác định phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình, thể hiện sự thay đổi về chất, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình, dự án trọng điểm; khuyến khích phát triển HTX, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, trang trại, tổ hợp tác; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản...

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả đã được nhân rộng vào sản xuất, như: thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, hệ thống tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu, cây ăn quả, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; từng bước chuyển sản xuất cá thể nhỏ lẻ sang sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

<img alt="Du lịch góp phần " đánh="" thức="" "="" nhiều="" vùng="" quê="" như="" tân="" hóa="" (minh="" hóa),="" mang="" lại="" thu="" nhập="" bền="" vững="" cho="" người="" dân.="" (Ảnh:="" oxalis)="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images658236_97.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images658236_97.jpg" style="width: 734px; height: 460px;">
Du lịch góp phần "đánh thức" nhiều vùng quê như Tân Hóa (Minh Hóa), mang lại thu nhập bền vững cho người dân. (Ảnh: Oxalis)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại được quan tâm đầu tư.

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP cũng đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả với doanh thu và thu nhập của các thành viên HTX ngày càng cao, từng bước khẳng định vai trò của HTX trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ và xây dựng nông thôn mới. Các mô hình về phát triển du lịch cộng đồng đã và đang từng bước phát triển mạnh tại các địa phương, góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập.

Về thu nhập, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cuối năm 2018 là 30,4 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2019 là 31,3 triệu đồng.Về lao động có việc làm, từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 312.784 người, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 78,2% (năm 2011) lên trên 85% (cuối năm 2018); chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn 52%.

Mai Nhân