Đưa vốn tín dụng về các điểm giao dịch xã ở huyện Lệ Thủy: Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả

  • 08:01 | Thứ Sáu, 25/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã đẩy mạnh việc đưa các dịch vụ tín dụng về phục vụ người dân ngay tại các điểm giao dịch xã. Đây là một trong những giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao trong hoạt động tín dụng của NHCSXH. PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy là một trong những điểm giao dịch điển hình làm tốt công tác này.

Huyện Lệ Thủy hiện có trên 36 nghìn hộ gia đình, sinh sống tại 28 xã, thị trấn. Hàng tháng, PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy đều tổ chức các buổi giao dịch định kỳ ngay tại các địa phương. Thời gian bố trí giao dịch cụ thể cho 28 xã bắt đầu từ ngày 6 đến ngày 21 hàng tháng.

Việc tổ chức giao dịch vào các ngày cố định tại điểm giao dịch xã được xem là phương thức phát huy tính dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với người dân.

Tại các điểm giao dịch, các tổ giao dịch xã có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ; thường xuyên họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.

PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy nỗ lực nâng cao chất lượng công tác giao dịch với khách hàng tại các điểm giao dịch xã.
PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy nỗ lực nâng cao chất lượng công tác giao dịch với khách hàng tại các điểm giao dịch xã.

Nhờ giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách được vay vốn tại chỗ, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng. Mặt khác, nguồn vốn sau khi giải ngân cũng được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Hầu hết vốn vay được bà con sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Có được vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, quyết tâm phát triển kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo và làm chủ cuộc sống.

Theo chân cán bộ tín dụng, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Chính ở xã Ngân Thủy. Trước đây, gia đình chị Chính là người Kinh đầu tiên lên lập nghiệp và khai hoang tại vùng kinh tế mới. Đất canh tác ít, không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình chị rất khó khăn, chật vật.

Năm 2015, chị được cán bộ tín dụng đến tận địa phương giúp đỡ và hỗ trợ các thủ tục cần thiết giúp vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để trồng ổi và dừa. Hiện nay, vườn ổi của chị đã thu hoạch, không những giúp chị trả hết nợ ngân hàng mà còn mua thêm được 3ha rừng để tiếp tục phát triển kinh tế. Với thu nhập từ vườn ổi, gia đình chị đã có cuộc sống sung túc hơn trước nhiều.

Gia đình anh Phạm Xuân Hữu thuộc diện hộ nghèo của xã Phong Thủy. Gia đình anh Hữu đông con nên cuộc sống rất vất vả. Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện bình xét, tạo điều kiện cho gia đình anh vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Với số tiền đó, anh đã mua 1 cặp bò về nuôi bởi theo anh, nuôi bò không tốn chi phí thức ăn lại mất ít công chăm sóc, rất phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

Chăn nuôi hiệu quả giúp anh trả tiền gốc và lãi đúng thời hạn, đồng thời, anh tiếp tục vay 80 triệu đồng của NHCSXH để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, anh đã phát triển đàn bò lên 8 con, đồng thời đầu tư nuôi thêm 1.000 con gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, anh đã xây được căn nhà khang trang, cho các con đến trường và vươn lên thoát nghèo.

Để các hoạt động giao dịch tại chỗ đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng huyện Lệ Thủy có cuộc họp phổ biến cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, các tổ trưởng cũng thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.

Ông Nguyễn Xuân Hào, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết, đơn vị hiện đang thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 442 tỷ đồng. Riêng năm 2019 có 4.139 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Lệ Thủy tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, qua đó, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao.

Đơn vị chủ động lồng ghép hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy tiếp tục tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Hiền Phương