Lệ Thủy: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách

  • 08:17 | Thứ Hai, 26/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có những chuyển biến căn bản, tạo bước đột phá, góp phần quan trọng trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.

Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy chia sẻ, có thể thấy trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn tín dụng ưu đãi dành cho các đối tượng chính sách được tăng lên rõ rệt. Sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Lệ Thủy.

Cụ thể, bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách của huyện luôn được củng cố, kiện toàn và ngày càng lớn mạnh. Đến nay, PGD NHCSXH huyện đã có 13 chương trình tín dụng với dư nợ lên tới 441 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với năm 2014.

Nhờ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, kết hợp với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm làm ăn, nhiều đối tượng chính sách đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. 

Bà Phan Thị Niệm ở thôn Thạch Thượng, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. 	Tải
Bà Phan Thị Niệm ở thôn Thạch Thượng, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH.

Cũng theo ông Đặng Đại Ngôn, nguồn vốn vay của NHCSXH huyện đã góp phần khôi phục một số làng nghề truyền thống; phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác; nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng; giúp cho trên 4.300 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho gần 35 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Gia đình bà Phan Thị Niệm ở thôn Thạch Thượng, xã Hồng Thủy từng là hộ cận nghèo của huyện. Nhờ biết tận dụng tối đa nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện, gia đình bà Niệm đã xây dựng được một cơ ngơi trang trại mà nhiều người mơ ước. Chỉ trong 5 năm, gia trại của bà Niệm với hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô, rộng rãi, thoáng đãng với 500 con chim trĩ; 150 con ngan và 1.000 con gà kiến.

Để thuận lợi trong việc tái sản xuất cũng như cung cấp con giống cho người dân trong tỉnh, bà Niệm đã đầu tư thêm lò ấp nhằm chủ động về giống cũng như tăng thêm lợi nhuận cho gia trại. Chia sẻ với chúng tôi, bà Niệm cho biết: "Tôi luôn đều đặn trả nợ đúng hạn, đúng kỳ cho NHCSXH, đến nay, điều kiện kinh tế gia đình tôi đã ổn định nên tôi có điều kiện giúp đỡ nhiều chị em khác tại địa phương làm kinh tế".

Có thể nói Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành "điểm tựa" nâng cao chất lượng tín dụng; cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định rõ hơn nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời xem đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch, hoạt động của địa phương, đơn vị.

Ông Nguyễn Anh Quý, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Lệ Thủy cho biết, Lệ Thủy hiện có 2.353 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,79%), hộ cận nghèo là 2.291 hộ (chiếm tỷ lệ 5,63%). Chính vì hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ khá cao nên người dân rất cần có vốn để phát triển sản xuất. Thông qua NHCSXH huyện, các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, vẫn còn tình trạng một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là việc quản lý những hộ còn dư nợ NHCSXH nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả và sâu hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; đồng thời, ưu tiên nhiều nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiền Phương