Khi trường học là ngôi nhà thứ hai

  • 14:19 | Thứ Ba, 20/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh (HS)… là nhiệm vụ được các trường học hết sức chú trọng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc. Nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho HS phát huy năng lực, sở trường, chất lượng giáo dục của các trường học được nâng lên rõ rệt.
 
Nỗ lực của các trường học vùng khó
 
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, các trường học, trong đó có nhiều trường thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng trường học thành điểm đến tin cậy.
 
Trường mầm non (MN) Lâm Hóa, đứng chân trên địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Trường gồm có 4 điểm (3 điểm ở khu vực lẻ cách điểm trung tâm từ 4-7km) với 113 trẻ, trong đó có 65 trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS). Do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn (70% dân số trong xã là người DTTS) nên phụ huynh chưa quan tâm đúng mức việc học tập của con em. Cơ sở vật chất của trường chưa đồng bộ. Để huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi, trường rất chú trọng đến nhiệm vụ tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất cho HS khi đến lớp. Hàng ngày, các cô giáo phải chở cơm từ điểm trung tâm đến các bản để trẻ bán trú có bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Trường còn chú trọng đến việc dạy tiếng Việt cho trẻ. Vì vậy, 100% trẻ sử dụng tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
 
Cô giáo Hoàng Thị Dung, Trường MN Lâm Hóa cho hay: "Bằng tình yêu với nghề, chúng tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Hạnh phúc mà chúng tôi có được là mỗi ngày đến trường thấy trẻ đi học đều, hiểu biết thêm những điều mới, Vào các dịp vui xuân, đón Tết, trường luôn tổ chức một số hoạt động như gói bánh chưng, trang trí không gian rực rỡ sắc màu của hoa mai, hoa đào với mong muốn trẻ được hiểu hơn về nét văn hóa đặc trưng của Tết cổ truyền, góp phần mang đến cho HS vùng cao một mùa xuân ấm áp".
Lãnh đạo ngành GD-ĐT vui xuân cùng cán bộ, GV, HS Trường MN Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Lãnh đạo ngành GD-ĐT vui xuân cùng cán bộ, GV, HS Trường MN Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Trường tiểu học-trung học cơ sở (TH-THCS) Thượng Hóa (Minh Hóa) cũng là đơn vị gặp không ít khó khăn, rào cản, nhất là trong thực hiện Chương giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trường có 3 điểm ở các bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ với trên 90% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đáng mừng là trường có được một đội ngũ cán bộ, GV tận tâm với nghề, trong đó có những người đến từ các địa phương khác nhưng đã gắn bó với trường trên dưới 10 năm. Điểm chung giữa họ là hết lòng vì HS thân yêu.
 
Em Đinh Thị Huyền Như, HS của trường cho biết: "Thầy cô giáo luôn yêu thương chúng em như con. Có những bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy cô đã đến tận nhà để chở đến lớp và tận tình giúp đỡ về mọi mặt…".
 
Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, GV, trường đã vươn lên đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm học 2022-2023, trường được Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa tặng giấy khen đơn vị “Thiết kế, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp”, được Giám đốc Sở GD-ĐT tặng giấy khen là đơn vị lập thành tích xuất sắc trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
 
Cũng đóng trên địa bàn thuộc vùng khó khăn của tỉnh, Trường phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy) đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các hoạt động nhằm khích lệ, động viên tinh thần học tập, rèn luyện của HS. Ngoài việc tổ chức tốt các hoạt động chính khóa, trường còn bố trí nhiều buổi dạy bổ trợ kiến thức, chú trọng bồi dưỡng HS giỏi và tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm cho HS. Nhiều HS của trường được Đồn Biên phòng Làng Ho, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79, Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhận nuôi, hỗ trợ nuôi… tạo điều kiện cho các em được học tập.
 
“Kết quả đạt được của các trường học trên những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết với nghề của đội ngũ cán bộ, GV. Và đó là yếu tố quan trọng để các trường tiếp tục vươn lên đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong sự nghiệp “trồng người”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn khẳng định.
 
Tích cực đổi mới, sáng tạo
 
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện của ngành GD-ĐT, các trường học đã tập trung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
 
Ở bậc học MN, các trường học đã tập trung triển khai hiệu quả chuyên đề: “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”… Hiện tại, toàn tỉnh có 172 trường với 1.772 nhóm lớp triển khai vận dụng chương trình STEAM, Montessori, Geggio Emilia… trong dạy học; có 121 trường, 1.041 lớp học tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh (22.708 trẻ tham gia).
 
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập”, các cơ sở giáo dục còn tập trung huy động tốt mọi nguồn lực trong xây dựng trường học chuẩn quốc gia nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất có thể, để mỗi trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai của HS.

Ở bậc học phổ thông, các nhà trường đã đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến. Phần lớn GV các cấp học khai thác tiện ích của công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng, tạo hứng thú cho HS trong học tập. Các trường TH đã chủ động, linh hoạt trong thực hiện giáo dục STEM phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đồng thời áp dụng mô hình trường học mới, nhân rộng phương pháp “bàn tay nặn bột” vận dụng “sơn đồ tư duy” và các kỹ thuật dạy học tích cực vào các môn học, hoạt động giáo dục.

Chia sẻ với chúng tôi về đổi mới trong hoạt động dạy học, cô giáo Trần Thị Lý Như, Trường TH Xuân Ninh cho biết: "Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, mỗi GV đều phải phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học, gần gũi với HS cả trong hoạt động học tập, vui chơi. Ngoài những giờ lên lớp, chúng tôi rất chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho HS tham gia các trò chơi dân gian, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, đọc sách tại thư viện… Qua đó, giúp HS được rèn luyện thể chất, hiểu biết hơn về văn hóa địa phương, phát triển về ngôn ngữ, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử…"
 
Bên cạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh ngày càng được khẳng định qua các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia. Tại kỳ thi chọn HS quốc gia năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 47 HS đọat giải (cao nhất từ trước đến nay). Những năm gần đây, tỉnh có nhiều HS đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi quốc tế, khu vực và đạt thành tích cao tại các sân chơi trí tuệ khác.
 
Luồng gió đổi mới GD đã làm thay đổi tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi cán bộ, GV, HS. Đó là nền tảng, động lực để toàn ngành triển khai thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.
Nh.V

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(QBĐT) - Ngày 30/1, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 140-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trường học chuẩn quốc gia: Tạo nền tảng để phát triển giáo dục

(QBĐT) - Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ được xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) hết sức chú trọng.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024: Toàn tỉnh có 47 học sinh đoạt giải

(QBĐT) - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Giang Nam cho biết: Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Bình có 47/67 HS dự thi đoạt giải.