Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam"

  • 10:01 | Thứ Tư, 19/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là câu kết của bài hát “Mười chín tháng Tám” của cố nhạc sỹ Xuân Oanh sáng tác vào ngày 19-8-1945, khi ông có mặt trong đoàn người biểu tình tiến về Nhà hát lớn tại Thủ đô Hà Nội. 75 năm qua, ca khúc tiếp tục cổ vũ, nhắc nhở mọi thế hệ người dân Việt Nam về quá khứ hào hùng của dân tộc. Hòa cùng hào khí non sông, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình không ngừng nỗ lực, chung tay điểm tô quê hương ngày càng tươi đẹp.
Biểu tượng Làng chiến đấu Cảnh Dương - địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT. Ảnh: Hành Tiến
Biểu tượng Làng chiến đấu Cảnh Dương - địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT. Ảnh: Hành Tiến
Ngày 17-8-1945, khi Hội nghị cán bộ Việt Minh tỉnh Quảng Bình đang họp, phái đoàn Trung ương do đồng chí Tố Hữu, đặc phái viên của Trung ương vào chỉ đạo khởi nghĩa ở các tỉnh Bình-Trị-Thiên mang lệnh Tổng khởi nghĩa đến. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 23-8-1947 làm ngày khởi nghĩa toàn tỉnh.
 
Ngày 19-8-1945, thắng lợi vang dội của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ như tiếp thêm sức mạnh để Quảng Bình hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đó là giành chính quyền ở tỉnh và phủ, huyện trước, sau đó xóa bỏ chính quyền cơ sở cũ và thành lập chính quyền cách mạng; huy động lực lượng toàn dân đi khởi nghĩa, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; trung lập hóa, tránh xung đột với Nhật, nhưng sẵn sàng đối phó nếu chúng liều lĩnh; yêu cầu nguỵ quyền cấp phủ, tỉnh giao lại chính quyền cho Mặt trận Việt Minh.
 
Khắp nơi trong tỉnh, các cán bộ Việt Minh nhanh chóng tỏa về cơ sở, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa. Các đội tự vệ của huyện, phủ, thị trấn sẵn sàng đợi lệnh. Và 12 giờ đêm 22-8, Ủy ban Khởi nghĩa họp phiên cuối cùng để rà soát và ban bố lệnh Tổng khởi nghĩa.
 
Đoàn quân như vũ bão tiến về Đồng Hới, đột nhập nội thị chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan đầu não của địch. Cùng thời gian với khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Đồng Hới, tại các phủ Quảng Ninh, Quảng Trạch và các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, quần chúng nhân dân rầm rập kéo về trung tâm các phủ, huyện, đánh chiếm các cơ quan đầu não, quân địch hoang mang, đầu hàng và bỏ chạy.
 
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, tại vùng Roòn (phủ Quảng Trạch), do bắt được tin khởi nghĩa từ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nên nhân dân làng Cảnh Dương, dưới sự chỉ đạo của cụ Ngô Hoàng, một nhân sĩ yêu nước đã tiến hành khởi nghĩa vào ngày 22-8-1945 và giành thắng lợi vẻ vang.
 
Tròn 75 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng ấy vẫn sống mãi qua lời kể của những chứng nhân lịch sử, những trang sách, câu chuyện, trong thơ, nhạc… Trên hành trình rất dài ấy, cùng với cả nước, Quảng Bình đã nỗ lực vượt qua bao gian khó. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chống giặc đói, giặc dốt, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình chưa bao giờ chùn bước. Tất cả cùng chung ý chí tiến về phía trước với quyết tâm “Người Việt Nam cùng thống nhất reo vang lời thề”.
 
Với hào khí và tình yêu quê hương, đất nước, trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhiều tên đất, tên làng, nhiều người con quê hương Quảng Bình đã vang danh cả nước, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Năm 1965, với những thành tích xuất sắc của mình, Quảng Bình đã được Bác Hồ  gửi thư khen “Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.
 
Từ những lời khen tặng, động viên của Bác, Quảng Bình phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” để rồi từ đây, cả nước biết đến Quảng Bình với tên gọi mới là quê hương “Hai giỏi” đầy thân thương và bình dị. Từ phong trào “Hai giỏi”, cán bộ, quân và dân Quảng Bình tiếp tục lập nên nhiều thành tựu quan trọng cả trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, tiền đề quan trọng để đồng hành cùng cả nước đi đến thắng lợi vẻ vang vào mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối.
 
Bước ra từ hai cuộc chiến tranh với bao khó khăn chồng chất, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình vẫn tiếp tục phát huy khí thế cách mạng của mùa thu lịch sử năm 1945, phát huy tinh thần quê hương “Hai giỏi” chung tay tái thiết quê hương. Trong những tháng ngày gian khó ấy, đặc biệt mỗi độ thu về, âm vang hào hùng của ca khúc “Mười chín tháng Tám” lại vang lên trên mọi nẻo đường như đồng hành, động viên nhân dân bước tiếp trên hành trình mới.
 
“Mười chín tháng Tám, ánh sáng tự do đem tới/Cờ bay muôn nơi, muôn ánh sao vàng…”. Mùa thu năm 2020, những ca từ của bài hát cũ vang lên trong không gian mới, nơi mỗi ngõ xóm, đường quê, khu phố, từ nông thôn đến thành thị rực rỡ cờ hoa đón chào kỷ niệm ngày Tổng khởi nghĩa, đón chào đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Quảng Bình năm 2020 đã tiến những bước rất dài sau hành trình 75 năm với diện mạo mới khang trang, hiện đại và nguồn sức mạnh nội lực. Ca khúc bất hủ ghi dấu thời khắc lịch sử của dân tộc tiếp tục là nguồn cảm hứng, là sự quyết tâm, là lời hứa để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh nỗ lực vì mục tiêu chung “hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
 
75 năm đã đi qua, nhiều chứng nhân lịch sử trong mùa thu đất nước Tổng khởi nghĩa đã thành người thiên cổ. Qua hai cuộc chiến tranh, hàng vạn người con Quảng Bình đã anh dũng ngã xuống và hy sinh một phần xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
 
Noi gương và tiếp bước cha anh, bao thế hệ người dân Quảng Bình đang tiếp tục cùng với nhân dân cả nước phát huy tinh thần “Hai giỏi”, chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, xây dựng quê hương Quảng Bình và non sông, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Diệu Cầm