Không bỏ quên "chìa khóa vàng"-thực tiễn

  • 09:31 | Thứ Tư, 27/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực tế cho thấy, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quyết định thành công hay thất bại của bất kỳ công việc, nhiệm vụ được giao. Trong đó, sự đi sâu, đi sát cơ sở, bám sát thực tiễn chính là “chìa khóa vàng” để giúp những người đứng đầu tìm được giải pháp hợp lý, hiệu quả và phù hợp.
 
1. Xã nọ có một mô hình về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa văn nghệ dân gian rất hiệu quả, phóng viên mong muốn tìm hiểu để viết bài nhằm nhân rộng mô hình này. Khi liên hệ làm việc, rất nhanh chóng, lãnh đạo xã đã giới thiệu đến người phụ trách mô hình từ mấy năm nay. Hồ hởi là vậy, nhưng phóng viên nhanh chóng thất vọng khi người này từ chối trả lời, bởi: “Tại sao lại giới thiệu tôi, tôi đã nghỉ hưu rồi, không liên quan gì nữa?”. Đem thắc mắc hỏi lại lãnh đạo xã, người này cũng ngạc nhiên không kém vì sự từ chối này và cho rằng: “Ông ấy chỉ mới nghỉ hưu hồi tháng 2 (?!), đã bàn giao công việc đâu, sao lại nói không liên quan?”. Loay hoay, cuối cùng, vị lãnh đạo xã đành giới thiệu một người khác để phóng viên liên lạc làm việc.
 
Đó mới là câu chuyện về một mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, còn với những vấn đề quan trọng khác thì không hiểu sự bàn giao công việc đến mức như thế nào? Hay phải chăng liên quan đến văn hóa văn nghệ là chuyện nhỏ, đơn giản, nên chưa cần phải quan tâm, đến đâu hay đến đấy? Được biết đây cũng không phải là mô hình nhỏ, mà là mô hình được cấp Trung ương, cấp tỉnh quan tâm xây dựng từ mấy năm qua trên địa bàn xã.
 
2. Những ngày qua, ban lãnh đạo của đơn vị trực thuộc sở nọ “vò đầu bứt tai” không biết phải làm sao, bởi văn bản “một đường” nhưng “chỉ đạo một nẻo”. Chẳng là để thực hiện một nghị quyết của HĐND tỉnh, sở đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai chi tiết các nội dung của nghị quyết này và đã được đồng chí phó giám đốc sở ký. Đơn vị triển khai thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn.
 
Tuy nhiên, tại một cuộc họp giữa sở và đơn vị, cũng vị phó giám đốc trên cho biết một nội dung trong công văn hướng dẫn không thể triển khai (?!), trong khi đó, chuyên viên thuộc phòng tham mưu soạn thảo công văn này lại cho rằng có thể thực hiện được(?!). Trong khi đó, đây là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bên tham gia. Thắc mắc chưa được giải đáp khiến đơn vị bối rối, không biết bắt đầu từ đâu…
 
Được biết, cuối cùng, sau nhiều nghiên cứu, vị phó giám đốc này cũng đã đồng ý nội dung này, nhưng cũng chưa biết về sau có thay đổi hay sửa chữa gì nữa không?
 
3. Thực tế trên cho thấy, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu dù ở cấp nào cũng rất quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của bất kỳ công việc, nhiệm vụ được giao. Điều này đòi hỏi đội ngũ người đứng đầu cần trau dồi, bồi dưỡng không chỉ năng lực quản lý, khả năng chuyên môn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà còn cả về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc… Trong đó, sự đi sâu đi sát cơ sở, bám sát thực tiễn chính là “chìa khóa vàng” để giúp những người đứng đầu tìm được giải pháp hợp lý, hiệu quả và phù hợp.
 
Và nếu có được “chìa khóa vàng” này, lãnh đạo cấp xã sẽ không giao nhiệm vụ cho một người đã nghỉ hưu từ tháng trước, mà sẽ có sự điều chỉnh công việc thích hợp hay vị phó giám đốc sở nọ trước khi ký ban hành văn bản sẽ phải nghiên cứu, thấu hiểu hết các nội dung liên quan.
Quảng Hạ

tin liên quan

Ngày mới ở K-Ai

(QNĐT) - Nhắc đến những đổi thay ở K-Ai, bản nhỏ nơi xã vùng cao Dân Hóa (Minh Hóa), nhiều người đều hình dung đến ruộng lúa nước như một hình ảnh điển hình. 

Căn cứ giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp

Việc giao biên chế sự nghiệp, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, được quy định tại khoản 2, Điều 4, và khoản 1, Điều 11, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Quảng Bình Hào khí 420 năm (1604-2024)

(QBĐT) Sau khi hoàn thành việc mở cõi đến mảnh đất Hà Tiên (phía Nam), năm Hoằng Định thứ 5, Giáp Thìn (1604), Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên vùng đất này từ phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Lần đầu tiên, danh xưng Quảng Bình xuất hiện và từ đó gắn liền với lịch sử vùng đất này cho đến ngày nay.