Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập phường Hải Thành (29-7-1981 - 29-7-2021):

Dấu ấn bốn thập kỷ

  • 05:44 | Thứ Bảy, 24/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ một ngôi làng bên chân sóng, trải qua bao thăng trầm, Hải Thành đã trở thành phường trung tâm của TP. Đồng Hới với những dấu ấn nổi bật. Cùng với nét văn hóa đặc trưng của miền biển, sau 40 năm thành lập phường, Hải Thành đã mang dáng dấp của đô thị trẻ, năng động và hiện đại với hướng đi bền vững, tự tin trên hành trình mới!
 
Có nguồn gốc từ làng Động Hải với lịch sử gần 500 năm, tháng 2-1965, Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, nhân dân Động Hải phải sơ tán lên phía tây cùng với nhiều làng khác thành lập thị trấn Đồng Sơn, một bộ phận dân cư làm nghề biển sơ tán qua thôn Cửa Phú xã, Bảo Ninh vừa sản xuất vừa chiến đấu cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
 
Để có một TP. Đồng Hới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, năm 1969, theo chủ trương của Thị ủy, phần lớn nhân dân làng Động Hải không trở về chốn cũ mà trở ra phía nam triền Lũy Thầy thành lập làng mới, một bộ phận ở lại Đồng Sơn.
 
Năm 1970, tiểu khu 10 Động Thành và làng mới Động Hải sáp nhập trở thành tiểu khu Hải Thành trực thuộc Ủy ban hành chính TX. Đồng Hới. Sau khi sáp nhập, Hải Thành vẫn mang trong mình nét văn hóa đặc trưng, trong đó có các lễ hội nổi tiếng như: Xuân thủ kỳ yên, lễ cầu ngư, lễ hội lục niên cảnh độ...
Một góc phường Hải Thành hôm nay.
Một góc phường Hải Thành hôm nay.
Ngày 29-7-1981, UBND tỉnh Bình-Trị-Thiên ký Quyết định số 943/QĐ-UB thành lập phường, Hải Thành vẫn mang đậm dáng dấp của làng chài với đa số cư dân sống bằng nghề biển. Cơ sở hạ tầng chỉ là con số 0. Các công trình phúc lợi gần như vắng bóng.
 
Nhưng với khí thế mới và quyết tâm, sáng tạo “dám nghĩ, dám làm”, những thệ hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Thành thời ấy đã bắt tay xây dựng trụ sở UBND phường; các công trình nhà văn hóa, bãi chiếu phim, sau thời điểm chia tách tỉnh là điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân các địa phương lân cận; các công trình “điện-đường-trường-trạm” được đầu tư, diện mạo của phường đô thị bắt đầu hình thành.
 
Khi tỉnh nhà trở về địa giới cũ vào tháng 7-1989, cũng là thời điểm đất nước đang trên hành trình mới mẻ của cơ chế thị trường. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu thốn, nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Hải Thành nhanh chóng hòa nhịp vào ngày mới. Ngư dân vẫn thủy chung với nghề truyền thống nhưng đã biết liên kết các hộ gia đình để đầu tư phương tiện, gia tăng sức mạnh, chinh phục những vùng biển xa, khai thác hiệu quả tài nguyên biển.
 
Các ngành nghề dịch vụ cũng bắt đầu phát triển để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cùng với toàn tỉnh, đặc biệt là TX. Đồng Hới lúc đó, Hải Thành như một “đại công trường” với quỹ đất mở rộng, nhiều công trình khang trang mọc lên, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.
 
Tháng 8-2003, TX. Đồng Hới được công nhận đô loại 3, là tiền đề quan trọng để thị xã phát triển với quy mô lớn, xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ. Một năm sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thành lập TP. Đồng Hới. Đồng hành cùng những dấu mốc lịch sử của thành phố, từ đây, những cơ hội mới cũng rộng mở với miền đất bên chân sóng này.
 
Đặc biệt khi cầu Nhật Lệ và các tuyến đường Quách Xuân Kỳ, Nguyễn Du, Trương Pháp hoàn thành, Hải Thành nhanh chóng bắt nhịp và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, vững vàng với “thế chân kiềng” khai thác hải sản-dịch vụ thương mại-du lịch với nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, du khách.
 
Với bước đi vững chắc, khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, hạ tầng Hải Thành những năm gần đây đổi thay vượt bậc, đặc biệt là hạ tầng du lịch. Hải Thành trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách bởi sự đan xen giữa nét đẹp văn hóa truyền thống, con người cởi mở, mộc mạc và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
 Đội tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phường Hải Thành được đầu tư nâng cấp hiện đại.
Đội tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phường Hải Thành được đầu tư nâng cấp hiện đại.
Hiện, trên địa bàn có gần 1.000 khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên 1.500 phòng lưu trú, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của du khách. Giai đoạn 2015-2020, giá trị dịch vụ, du lịch, thương mại tăng bình quân 20%/năm. Du lịch đã mang lại nguồn thu lớn cho Hải Thành, tác động mạnh mẽ đến diện mạo địa phương và đời sống người dân.
 
Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nhưng “ngôi làng trong phố” như cách gọi thân thương của nhiều cư dân nơi đây không quên nghề truyền thống của cha ông. Kinh tế phát triển, tầm nhìn rộng mở, ngành nghề khai thác hải sản ngày càng được đầu tư nâng cấp hiện đại.
 
Dù phải trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có sự cố môi trường biển vào năm 2016, nhưng đội tàu cá với tổng công suất gần 4.000CV đã đưa giá trị khai thác hải sản của địa phương đạt gần 26 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tỷ lệ tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt gần 20%/năm.
 
Khai thác hải sản phát triển kéo theo chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá với nhiều ngành nghề như chế biến nước mắm, ruốc, sản xuất đá lạnh, kinh doanh xăng dầu, thực phẩm phục vụ khai thác hải sản, tạo sự đồng bộ trong sản xuất, kinh doanh.
 
Các sản phẩm từ nghề biển mang tên “Hải Thành” đã trở thành thương hiệu mạnh không chỉ đối với người dân trong tỉnh mà đã khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường toàn quốc. Hải Thành cũng là vùng đất của nhiều món ăn hấp dẫn, mang đậm những dấu ấn ít nơi nào có được, là niềm tự hào rất riêng của người dân nơi đây không chỉ bởi sự yêu thích, tin tưởng của mọi người mà nó còn mang lại nguồn thu nhập ổn định trong cơ cấu ngành nghề của địa phương…
 
Trên chặng đường rất dài mà Hải Thành đã đi qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường đã có nhiều đóng góp quan trọng và vinh dự được Chủ tịch nước tặng các phần thưởng cao quý. Đó là danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND); có 2 người được truy tặng danh hiệu LLVTND là liệt sỹ Trương Pháp và Đặng Y; 1 người được phong tặng Anh hùng LLVTND là Phạm Xuân Sanh.
 
Phường có 11 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Truyền thống cách mạng quý báu đó đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Hải Thành nỗ lực để gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn trên hành trình mới.
 
Trải qua 4 thập kỷ ra đời và lớn mạnh, Hải Thành hôm nay mang dáng dấp của đô thị trẻ, hiện đại nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân vùng biển, tạo nên sức hút rất riêng, là một phần rất quan trọng trong những đổi thay mạnh mẽ của TP. Đồng Hới. Văn hóa-xã hội ngày càng phát triển, những lễ hội như: Xuân thủ kỳ yên, cầu ngư, múa bông, chèo cạn, đua thuyền truyền thống… đã đóng góp vào sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn của văn hóa thành phố, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách.
 
Phường có 3 trường từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Những năm qua, nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn đã đạt thành tích trong các kỳ thi từ cấp thành phố đến quốc gia, khẳng định những bước tiến vượt bậc của giáo dục địa phương.
 
Dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những kỳ vọng từ hướng đi mới trong phát triển du lịch đã và đang mở ra với Hải Thành. Bãi biển Nhật Lệ đẹp như tranh, phố đi bộ không quá sầm uất mà vừa đủ duyên dáng, thu hút sự khám phá của du khách, đường Trương Pháp mềm mại ven sông Nhật Lệ chạy dài ra biển, những khách sạn hiện đại, homestay nhỏ xinh, những sản vật đặc sắc ít nơi nào có được, đặc biệt con người hiền hòa, chân chất mà năng động, cần cù… là những yếu tố để Hải Thành vững tin vượt qua khó khăn, tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch.
 
Sau hành trình 40 năm xây dựng và phát triển trong sự nghiệp đổi mới, những thành tựu đạt được của phường Hải Thành rất đáng tự hào. Thành tựu đó là kết tinh của sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, là ý thức, là tinh thần làm chủ của nhân dân, sự đoàn kết, khắc phục khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền, trở thành động lực thúc đẩy cho sự đổi mới.
 
Đồng chí Phạm Ngọc Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Các thế hệ người Hải Thành hôm nay sẽ tiếp bước truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của quê hương anh hùng, xây dựng phường Hải Thành vươn lên, phát triển toàn diện và bền vững”.
 
Ngày 29-7-1981, phường Hải Thành được thành lập khi cơ sở hạ tầng là con số 0 cùng nhiều khó khăn của một phường đô thị mang đậm dáng dấp của làng chài với đa số cư dân sống bằng nghề biển. Sau 4 thập kỷ, Hải Thành đã đổi thay mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng/năm; kinh tế phát triển đa dạng với các ngành nghề khai thác hải sản-dịch vụ thương mại-du lịch. Hải Thành đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu “phường văn minh đô thị” trong năm 2021. 
                                                                       Ngọc Mai