Mãi mãi là người đại biểu của nhân dân

  • 08:33 | Chủ Nhật, 23/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 5, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức thi đua hướng về Ngày hội lớn của dân tộc-bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi có dịp hội ngộ với những người con ưu tú Quảng Bình từng một thời là ĐBQH. Họ, bây giờ tuổi đã cao nhưng vẫn giữ vẹn nguyên tình cảm, trách nhiệm của mình, nguyện mãi mãi xứng đáng là người đại biểu nhân dân.
 
1. Ngược dòng lịch sử ĐBQH từ khóa I đến khóa XIV, chúng tôi lên huyện Minh Hóa, ghé thôn Ba Nương (xã Xuân Hóa) thăm bà Đinh Thị Thu Hiệp (SN 1946), ĐBQH khóa IV (1971-1975). Nhắc đến bà Hiệp, người dân cả nước nhớ đến người nữ anh hùng LLVT nhân dân từng sống, chiến đấu quả cảm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi “tọa độ lửa” đèo Đá Đẽo.
 
Bà tâm sự: “Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên trì và tiếp tục xây dựng CNXH. Quốc hội đề ra những quyết sách khôi phục kinh tế ở miền Bắc, miền Nam đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Ngày 11-4-1971, cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu bầu 420 ĐBQH. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IV diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-6-1971 tại Thủ đô Hà Nội".
 Bà Hà Thị Riên (người phụ nữ áo trắng hàng đầu) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội.
Bà Hà Thị Riên (người phụ nữ áo trắng hàng đầu) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội.
Một dấu ấn Quốc hội khóa IV mà bà Đinh Thị Thu Hiệp nhớ mãi, trong thành phần 420 ĐBQH có 28 anh hùng, riêng Quảng Bình 3 anh hùng. “Đoàn ĐBQH Quảng Bình có 8 đồng chí, gồm các đại biểu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hiệp, Phạm Kỉnh, Nguyễn Lễ, Trần Thị Lý, Cổ Kim Thành, Lê Trạm và Đinh Thị Thu Hiệp. Chị Trần Thị Lý quê quán làng Phú Thượng, Phú Hải, Đồng Hới, được tuyên dương anh hùng ngày 1-1-1967.
 
Anh hùng Lao động Lê Trạm, Chủ nhiệm hợp tác xã Quang Phú, tuyên dương tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ toàn quốc lần thứ 3, năm 1962”- bà Hiệp nhớ lại-“Vì đại biểu đại diện cho quân và dân Quảng Bình tuyến đầu miền Bắc XHCN nên mỗi lần ra Thủ đô họp Quốc hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng dành tình cảm đặc biệt cho từng thành viên.
 
Đại tướng căn dặn: “Các o, các chú ở diễn đàn Quốc hội phải chú ý đến lời ăn, tiếng nói, vì mình đại diện cho Quảng Bình anh hùng, mỗi hành động, phát biểu của các o, chú cả nước luôn hướng theo. Ở diễn đàn Quốc hội, cố gắng phát huy cao độ quyền, nghĩa vụ người đại biểu nhân dân, những vấn đề trọng đại liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quê hương nên tham gia phát biểu, đóng góp, xây dựng”.
 
2. Năm nay 78 tuổi, bà Hà Thị Riên, ĐBQH các khóa VII, VIII đang nghỉ hưu tại thôn Vĩnh Tuy 4, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh). Trong hai kỳ tham gia ĐBQH, bà Hà Thị Riên lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Tại Quốc hội khóa VII (1981-1987), lúc đó đang còn tỉnh Bình Trị Thiên, đoàn ĐBQH gồm 19 người, riêng Quảng Bình có 4 đại biểu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lại Văn Ly, Lê Duyên và Hà Thị Riên.
 
Bà Hà Thị Riên nhớ lại: “Quốc hội khóa VII được bầu vào ngày 26-4-1981, tổng số đại biểu 496 người. Quốc hội khóa VII phát huy cao độ vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Tại nhiệm kỳ này, vấn đề đổi mới đất nước bắt đầu đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội. Điểm đặc biệt của Quốc hội khóa VII là thời gian kéo dài đến 6 năm”.
 
“Tiếp sau thành công Quốc hội khóa VII, Quốc hội khóa VIII (1987-1992) bắt đầu sứ mệnh cao cả mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động nhằm hiện thực hóa chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ do Hiến pháp quy định về lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề trọng đại quốc kế-dân sinh, đối nội đối ngoại… Một dấu ấn mang tính chất lịch sử của đất nước là tại kỳ họp lần thứ 11, tháng 4-1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp thời kỳ đổi mới, phù hợp với thực tế đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại”.
 
“Bầu cử Quốc hội khóa VIII diễn ra 19-4-1987, tổng số đại biểu được bầu 496 người. Đại biểu tỉnh Bình Trị Thiên gồm 19 người, trong đó Quảng Bình có 4 đại biểu là Nguyễn Văn Bộ, Phạm Bá Hạt, Nguyễn Xuân Ngại và Hà Thị Riên”.
 
“Trong giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm (1987-1992), thông qua tiếng nói đại biểu tại diễn đàn Quốc hội, tranh thủ sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước mà Quảng Bình được hỗ trợ triển khai hàng loạt công trình thủy lợi: đập ngăn mặn Mỹ Trung, các hồ chứa nước Thanh Sơn, Điều Gà, Thạch Bàn… phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nông thôn”, bà Riên cho biết thêm.
 
3. Người chúng tôi gặp trong những ngày tháng 5 này là đại tá Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam-Dioxin tỉnh. Ông nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, ĐBQH khóa XII (2007-2011). Quốc hội khóa này, tỉnh Quảng Bình có 6 đại biểu gồm: Hà Hùng Cường, Lương Ngọc Bính, Nguyễn Văn Pha, Nguyễn Văn Nhượng, Nguyễn Thị Minh Lợi và Nguyễn Quốc Trị. Quốc hội khóa XII tiến hành bầu cử vào ngày 20-5-2007. 
 
“Được Bộ Quốc phòng, Quân khu IV, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh giới thiệu, tôi tham gia ứng cử ĐBQH khóa XII. Trong nhiệm kỳ 4 năm Quốc hội khóa XII, đất nước, quê hương có rất nhiều thay đổi, từng bước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kéo dài nhiều năm, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giai đoạn này, hoạt động Quốc hội luôn nhận sự quan tâm, sâu sát của cử tri, nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, tiếp xúc cử tri đổi mới rõ rệt”, ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.
 
“Là đại biểu nhân dân, suốt 4 năm tham gia diễn đàn Quốc hội, chúng tôi cố gắng chuyển tải tất cả tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề lớn cử tri Quảng Bình quan tâm đến Quốc hội. Chúng tôi đã thật sự trở thành nhịp cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
 
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu chúng tôi tâm niệm chuyển tải, tiếp thu một cách khoa học, chân thực nhất ý kiến nhân dân trên tinh thần cầu thị, trọng dân, gần dân và đặc biệt không bao giờ hứa suông trước nhân dân. Bởi nếu hứa mà không thực hiện, lòng tin của cử tri, nhân dân đối với đại biểu sẽ bị giảm sút”, ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
 
Ngô Thanh Long