Lệ Thủy: Tập trung sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã

  • 06:11 | Thứ Ba, 03/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Lệ Thủy tập trung triển khai thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đúng theo kế hoạch. Qua lấy ý kiến của cử tri cho thấy, việc sáp nhập bước đầu đã được cán bộ và nhân dân cơ bản đồng tình.

Theo đề án sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt giai đoạn 2019-2021, huyện Lệ Thủy có 4 xã chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích nằm trong diện sáp nhập gồm: xã Văn Thủy nhập vào xã Trường Thủy với tên gọi ĐVHC mới là xã Trường Thủy; xã Ngư Thủy Trung nhập vào xã Ngư Thủy Nam với tên gọi ĐVHC mới là xã Ngư Thủy Nam.

Thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và tình hình thực tế của mỗi địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Lệ Thủy và các xã nói trên đã xây dựng phương án và đang khẩn trương tiến hành các bước để sáp nhập theo đúng lộ trình. Trong đó, chú trọng công tác, tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như làm công tác cán bộ.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Để việc sáp nhập các ĐVHC thuận lợi, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp ở các cấp, thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác.

Sau đó, chỉ đạo 4 tổ công tác về phối hợp với các địa phương chuẩn bị sáp nhập làm công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập ĐVHC, lấy ý kiến của cử tri về việc sáp nhập”.

Sau khi sáp nhập, xã Ngư Thủy Trung và xã Ngư Thủy Nam có tên gọi mới là xã Ngư Thủy Nam.
Sau khi sáp nhập, xã Ngư Thủy Trung và xã Ngư Thủy Nam có tên gọi mới là xã Ngư Thủy Nam.

Nhờ làm tốt quy trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác tuyên truyền nên đa số cử tri các địa phương thuộc diện sáp nhập đều đồng tình và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ông Phan Văn Đê, thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy việc sáp nhập các ĐVHC là chủ trương lớn, hợp lòng dân. Bởi sau khi sáp nhập sẽ làm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương. Mặt khác, xã sau khi sáp nhập sẽ có đầy đủ các yếu tố về đất đai, dân số, quy mô… để tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội”.

Đến nay, các xã thuộc diện sáp nhập trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri. Theo kết quả lấy ý kiến, xã Trường Thủy đạt 96,7%, xã Văn Thủy đạt 88,3%, xã Ngư Thủy Trung đạt 69,5%, xã Ngư Thủy Nam đạt 72,7% cử tri đồng tình với phương án sáp nhập. Riêng kết quả biểu quyết về phương án sáp nhập các ĐVHC của đại biểu HĐND 4 xã đều thống nhất cao với số phiếu đạt 100%.

Tuy đạt được sự thống nhất cao, nhưng vẫn còn một số người dân chưa đồng tình vì họ băn khoăn tên gọi ĐVHC mới và sự biến động các loại giấy tờ. Ông Nguyễn Quang Thạo, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung kể: “Khi chúng tôi đi tuyên truyền cho người dân về chủ trương nhập xã Ngư Thủy Trung vào xã Ngư Thủy Nam đã có một số người dân không đồng tình. Bởi họ cho rằng, cả hai xã đều tách ra từ xã Ngư Thủy nên bà con muốn trở lại tên Ngư Thủy.

Ngoài ra, họ còn băn khoăn về các loại giấy tờ liên quan sẽ thay đổi ra sao, xử lý như thế nào. Những ý kiến của người dân, chúng tôi đã phân công cho cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu”.

Bà Hoàng Thị Mía, một người dân ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Trung chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi cũng không đồng tình về việc sáp nhập xã vì lo ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng khi nghe cán bộ giải thích nên tôi hiểu rằng việc sáp nhập là một chủ trương hoàn toàn đúng, phù hợp với lòng dân dù có thay đổi tên gọi.

Qua đó, giảm được ngân sách cho Nhà nước trong việc chi trả tiền lương, phụ cấp. Tôi hy vọng rằng, nguồn ngân sách tiết kiệm từ việc sáp nhập sẽ dùng vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển giáo dục, hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế”.

Bà Võ Thị Thuận Ngàn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy cho biết: “Sau khi sáp nhập, mọi giấy tờ liên quan của bà con xã Văn Thủy và Ngư Thủy Trung vẫn có hiệu lực. Nhưng về lâu dài, huyện sẽ thành lập các đoàn liên ngành đến tận địa phương để thay đổi lại cho bà con.

Về trụ sở làm việc, các địa phương sau khi sáp nhập vẫn duy trì cả hai nơi làm việc. Nếu sau này có xây dựng lại, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện chọn vị trí trung tâm nhất của hai xã cũ để xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ làm việc và đi lại của người dân”.

Trong quá trình sáp nhập, vấn đề cán bộ luôn được quan tâm nhất, bởi sau khi sáp nhập, sẽ xảy ra tình trạng dư thừa cán bộ. Để giải quyết vấn đề này, Trung ương, tỉnh, huyện tiến hành tinh giảm cán bộ trong vòng 5 năm, mỗi năm tinh giảm 20%.

Ông Lê Văn Bảo, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy chia sẻ: “Đối với công tác cán bộ, huyện chỉ đạo các xã sau khi sáp nhập sẽ giảm dần các chức danh bán chuyên trách cấp xã. Còn đối tượng công chức sẽ luân chuyển dần về các xã khác nếu các xã đó có người nghỉ hưu. Trước mắt, huyện sẽ tạm ngừng tuyển dụng cán bộ công chức cấp xã nhằm để chuyển số cán bộ ở các xã sáp nhập về.

Riêng các vị trí chủ chốt do Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, huyện sẽ nghiên cứu, bố trí, xắp xếp phù hợp để cho đội ngũ này không phải chịu thiệt thòi. Một số cán bộ sắp nghỉ hưu, huyện đã tuyên truyền, vận động để họ nghỉ trước thời hạn và giải quyết các chế độ theo quy định…"

Theo kế hoạch, cả 4 ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy sẽ hoàn thành việc sáp nhập vào cuối năm nay. Khi sáp nhập hoàn thành, các xã sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, cơ sở hạ tầng cũng như công tác cán bộ.

Xuân Vương