Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)

"Đất nghèo nuôi những anh hùng!"

  • 17:34 | Thứ Bảy, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đó là làng Sạt (nay là tiểu khu 3), thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa. Trong phong trào Cần Vương, làng Sạt vinh dự là nơi được đón vị vua yêu nước Hàm Nghi ở lại 3 đêm trước khi vào Hóa Sơn xây dựng“kinh đô kháng chiến”. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp, mảnh làng nghèo này là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và bộ đội kháng chiến, trong đó có những người làm nên chiến thắng Xuân Bồ (Lệ Thủy) lưu danh sách sử.

Vua Hàm Nghi ở làng Sạt

Theo cứ liệu lịch sử, làng Sạt xưa thuộc tổng Cơ Sa, Quy Đạt thôn, nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa. Cư dân làng Sạt bao đời nay sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tấm lòng yêu nước son sắt thì ít nơi sánh kịp.

Ông Đinh Thanh Niêm (84 tuổi), nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa đã nghỉ hưu chia sẻ với phóng viên về truyền thống vẻ vang của làng Sạt.
Ông Đinh Thanh Niêm (84 tuổi), nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa đã nghỉ hưu chia sẻ với phóng viên về truyền thống vẻ vang của làng Sạt.

Tháng 10-1885, khi biết tin vua Hàm Nghi đang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), quân Pháp tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt vua. Đại thần Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng lui vào Bãi Đức (nay là thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Đến tháng 11-1885, đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi từ Bãi Đức về làng Sạt và kể từ đây, Minh Hóa trở thành trung tâm đầu não, là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trong cả nước.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đinh Thanh Dự, khi vua Hàm Nghi và quan quân triều đình đến làng Sạt, ngự giá ở nhà ông Đinh Thanh Hiền thì ông Quán đoàn Đinh Văn Nguyên đem đội nghĩa quân người Nguồn Cần Vương đến ra mắt và được nhà vua phong cho ông chức Tác lộ chiến, cùng nghĩa quân người Nguồn của mình canh gác, tuần phòng, đánh địch bảo vệ nhà vua và quan quân triều đình.

Ông Đinh Văn Nguyên thuộc dòng họ ông Bộ Khoáng ở làng Sạt, tổng Cơ Sa. Ông học thông chữ Hán, giỏi võ nghệ. Năm Tự Đức thứ 42 (1883), ông được phong chức Chánh quân đoàn Kim-Cơ nhị tổng Cơ Sa-Kim Linh. Ông Nguyên có 3 người con là Đinh Bình, Đinh Văn Bột và Đinh Văn Hàn, trong đó, Đinh Bình là con đầu nên ông còn được dân làng gọi là ông Quán Bình.

Trước đó, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ra chiếu Cần Vương kêu gọi kháng chiến, ông Quán đoàn Đinh Văn Nguyên cùng các con và chánh tổng, lý trưởng, hương chức các làng hai tổng Cơ Sa và Kim Linh chiêu mộ trai tráng người Nguồn lập nên đội nghĩa quân Cần Vương.

Sau khi ra mắt vua Hàm Nghi, Tác lộ chiến Đinh Văn Nguyên cùng nghĩa quân Cần Vương người Nguồn đã luôn sát cánh, bảo vệ an toàn cho nhà vua và lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là trận đánh ở eo Lập Cập, tiêu diệt quá nửa quân Pháp…

Chỉ ở làng Sạt trong 3 ngày, 3 đêm nhưng vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng không chỉ được nghĩa quân Cần Vương người Nguồn đến nghênh giá, bảo vệ mà còn được người dân nơi đây tận tình chăm sóc. Người dân làng Sạt, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã thể hiện lòng yêu nước son sắt, nhiệt tình ủng hộ lương thực, thực phẩm để “nuôi” nhà vua và đoàn tùy tùng.

Hiện, gia đình ông Đinh Hữu Hạnh ở tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt vẫn đang lưu giữ một bộ phản (bộ ngựa) quý giá được vua Hàm Nghi sử dụng trong những ngày nhà vua ở làng Sạt. Ông Hạnh cho biết, bộ phản này đã được thân sinh và ông nội của ông giữ gìn cẩn thận và truyền lại cho ông.

“Tôi nghe kể lại, trước đây cụ kỵ của tôi là Đinh Văn Hiện làm quan Chánh tổng đã thuê thợ sơn tràng địa phương đóng bộ phản này gồm 3 phách gỗ gõ rộng hơn 30cm, dài gần 3m, dày hơn 5cm. Lúc vua Hàm Nghi đến làng Sạt, nhà vua đã sử dụng bộ phản này vừa để ngủ, vừa để bàn cơ sự cũng như tiếp đón văn nhân, nghĩa sỹ đến yết kiến ủng hộ phong trào Cần Vương.”, ông Hạnh kể.

Làng nuôi bộ đội

Ông Đinh Thanh Niêm (84 tuổi), nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa đã nghỉ hưu, là người chấp bút biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Quy Đạt cho biết, không chỉ là nơi được vua Hàm Nghi đến lưu lại, làng Sạt còn là một “địa chỉ đỏ” của cách mạng.

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Sạt là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Đặc biệt, ngày 10-10-1947, tại làng Sạt, Chi bộ xã Hưng Hóa, Chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Minh Hóa đã được thành lập, là tiền thân của Đảng bộ thị trấn Quy Đạt sau này…

Đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, làng Sạt không chỉ gửi vào mặt trận những người con ưu tú nhất quê hương mà còn làm tốt công tác hậu phương, là nơi chia ngọt sẻ bùi với bộ đội kháng chiến. Đặc biệt, những năm 1947-1949, làng Sạt là nơi đóng quân, huấn luyện của lực lượng bộ đội địa phương, bộ đội chính quy (Trung đoàn 18), đội quân sau đó đã góp công làm nên chiến thắng Xuân Bồ năm 1950, lưu danh sách sử.

Đường về làng Sạt hôm nay.
Đường về làng Sạt hôm nay.

Theo ông Niêm, trong quá trình đóng quân, huấn luyện ở làng Sạt, các đơn vị bộ đội đã được người dân nơi đây hết lòng yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ cho bộ đội từng nắm bồi, củ khoai. Cùng với người dân trên địa bàn xã Hưng Hóa, người làng Sạt làm tốt công tác hậu phương, đi vận tải tiếp tế lương thực, vũ khí cho các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Trong vòng 6 tháng, trung bình mỗi người dân làng Sạt đi làm nhiệm vụ vận tải gần 2 lần, vận tải xa 4 lần.

“Năm 1947, phát hiện ra làng Sạt là nơi đóng quân, huấn luyện của các đơn vị bộ đội, thực dân Pháp đã nhiều lần đưa máy bay đến ném bom. Đặc biệt, vào ngày 25-12-1947, máy bay Pháp đã ném bom vào làng Sạt làm nhiều căn nhà của làng bị cháy. Các lực lượng bộ đội, dân quân địa phương và nhân dân nơi đây đã chiến đấu anh dũng, đập tan những trận tập kích của giặc, bảo vệ vững chắc quê hương.”, ông Niêm chia sẻ.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người dân làng Sạt vẫn luôn tự hào vì đã giữ vững truyền thống cách mạng của quê hương. Ông Đinh Thanh Hiền, Bí thư Chi bộ tiểu khu 3 (thị trấn Quy Đạt) cho biết, hiện tiểu khu có 208 hộ, 730 nhân khẩu. “Là một tiểu khu chuyên sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tinh thần tương thân tương ái…vẫn luôn được người dân làng Sạt vun đắp, sẻ chia.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân làng Sạt vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, khó khăn, sống với nhau đầy ắp tình làng nghĩa xóm…”, ông Hiền tự hào nói.

Phan Phương