.

Minh Hóa: Gian nan thu hồi "nợ xấu" xuất khẩu lao động

.
07:20, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã nhiều năm trôi qua, nhưng đến nay, chính quyền các địa phương, đơn vị ở huyện Minh Hóa vẫn đang loay hoay, lúng túng tìm cách tháo gỡ về khoản "nợ xấu" trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) của hàng chục trường hợp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từng vay vốn ở Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hoá.

"Ôm nợ" vì XKLĐ

Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: "Năm 2010, địa bàn xã Thượng Hóa có 44 trường hợp tham gia XKLĐ do Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa môi giới tuyển dụng.

Sau khi được phía Công ty đề xuất, UBND xã Thượng Hóa đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đứng ra tín chấp với Hội Nông dân xã và Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện cho các lao động vay tiền để XKLĐ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, có 40 lao động trong xã được XKLĐ sang Malaysia và 2 trường hợp không đủ điều kiện để xuất cảnh.

Theo kết quả điều tra của chúng tôi, trong số 40 lao động xuất khẩu thì 19 lao động có việc làm, 8 lao động mắc bệnh bị trục xuất, 8 lao động vi phạm luật lao động bị trục xuất, 5 lao động không có việc làm nên phải trở về. Tất cả số lao động nói trên đều là người dân tộc thiểu số. Một số lao động dù có việc làm, nhưng do thu nhập thấp nên sau khi hết hạn trở về nước, vẫn không có khả năng trả nợ.

Nhiều trường hợp vay vốn XKLĐ nhưng gặp khó khăn trong trả nợ vì rủi ro, hoạn nạn.
Nhiều trường hợp vay vốn XKLĐ nhưng gặp khó khăn trong trả nợ vì rủi ro, hoạn nạn.

Các trường hợp khác không được xuất cảnh, vi phạm luật lao động, mắc bệnh bị trục xuất trở về địa phương... đều thuộc diện gia đình khó khăn, nên đến nay vẫn không đủ khả năng trả hết nợ. Cá biệt, hiện nay, xã có một số trường hợp vay XKLĐ chưa trả hết, nhưng đã tử vong, nên vẫn còn mắc nợ. Đơn cử như trong tháng 7-2019 có trường hợp Trần Xuân Quý, trú tại bản Phú Minh...".

Được biết, vào năm 2009 và 2010, nắm được chủ trương của UBND huyện Minh Hóa đang khuyến khích các nhà đầu tư tích cực tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ, Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa (Chi nhánh Hà Tĩnh) đã trực tiếp về tận nhà dân để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, đối tượng mà Công ty này "nhắm tới" đó là đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn. Bằng việc "tận tình" đưa đón lao động đi làm thủ tục vay vốn, đơn vị này đã tạo điều kiện cho trên 100 trường hợp được tham gia vay vốn ở Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa, với mức vay bình quân khoảng 25 triệu đồng/trường hợp để nộp cho Công ty.

Điều đáng nói, sau khi thực hiện vay vốn, nộp tiền cho Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, do bất đồng về mức lương ghi trong hợp đồng không đúng như Công ty đã hứa khi về tuyển dụng tại xã nên một số trường hợp người lao động không chịu đi. Số khác, sau khi được Công ty đưa sang Malaysia thì gặp phải các lý do, như: công việc không phù hợp, mắc bệnh tật, vi phạm luật lao động, không có việc làm nên đã bị trục xuất về nước...

Đã "khoanh nợ" đến lần 2 vẫn chưa thu hồi hết nợ

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho hay, sức khỏe yếu, một số bà con từng vay vốn ngân hàng để XKLĐ đã không thể trả được nợ. Với trách nhiệm của địa phương, trong nhiều hội nghị, cuộc họp, UBND xã Thượng Hóa đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết luận cụ thể nào.

Do đó, địa phương vẫn đang tiếp tục đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có thẩm quyền xem xét, xác minh, khảo sát để xóa nợ cho những hộ vay có đủ điều kiện xóa nợ theo quy định của Chính phủ...

Ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho biết, năm 2014, đơn vị buộc phải thực hiện "khoanh nợ" lần 1 để gia hạn đối với 103 trường hợp vay tiền để tham gia XKLĐ cùng Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa. Đến ngày 11-6-2019, hệ thống tự động thông báo nợ của ngân hàng về các trường hợp nói trên đã "nhảy" sang lần 2 và cho thấy vẫn còn hàng chục trường hợp nợ quá hạn.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 34 trường hợp từng vay vốn ở Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa để tham gia XKLĐ cùng Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa nhưng vẫn chưa trả xong (số liệu tính đến ngày 30-6-2019). Tổng số tiền dư nợ quá hạn của 34 trường hợp này là hơn 760 triệu đồng.

Trước đó, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đã nhiều lần cắt cử cán bộ, nhân viên về tận hộ vay để điều tra, khảo sát khả năng trả nợ. Quá trình khảo sát cho thấy, hầu hết các hộ còn nợ đều có hoàn cảnh, như: tài sản trong gia đình không có gì đáng giá; khả năng lao động để kiếm thu nhập hàng ngày không cao; một số trường hợp khi tiếp xúc luôn trong tình trạng say rượu, đầu óc thiếu tỉnh táo; số khác hễ biết có cán bộ ngân hàng đến là trốn vào rừng...

Hiện nay, đơn vị đang kiến nghị Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình và Trung ương cho ý kiến để xử lý cụ thể đối với các trường hợp người vay, người thừa kế, người bỏ đi mất tích, người chết. Trước mắt, đơn vị vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi vốn.

Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa giải thích, đến nay, do phía Công an không khởi tố đối với Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa nên UBND huyện Minh Hóa đang đề nghị với Trung ương xem xét để có thể khoanh nợ cho các trường hợp có khả năng lao động để trả nợ; thực hiện xóa nợ đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo giám sát, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng XKLĐ nhằm tránh hiện tượng lừa đảo, gây mất niềm tin trong nhân dân; chú trọng tuyên truyền về hiệu quả từ XKLĐ để nhân dân nhận thức đúng đắn hơn...

Văn Minh

,