.
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2019):

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân

.
09:58, Thứ Bảy, 27/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, chính sách ưu đãi và chăm sóc người có công với cách mạng đã được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh ta quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
 
Từ đó, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"... ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Qua đó, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
 
Đến thời điểm này, tỉnh ta xác lập, công nhận và quản lý gần 150.000 người có công với cách mạng (chiếm khoảng 17% dân số), trong đó, gần 14.000 liệt sỹ, trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, trên 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 6.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, khoảng 20.000 thương binh, bệnh binh, trên 2.000 người có công giúp đỡ cách mạng, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 1.300 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện 26 mẹ còn sống).
 
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải quyết chính sách đối với người có công; đồng thời, quan tâm phối hợp tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách tồn đọng với người có công.
 
Đến nay, những nội dung cơ bản của Pháp lệnh ưu đãi người có công và các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan được phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư, nhân dân tiếp thu tương đối đầy đủ, đã hạn chế lượng đơn thư thắc mắc về chế độ, chính sách gửi lên các cấp. Các sở, ban, ngành và các hội, đoàn thể, địa phương trong tỉnh luôn chủ động phối hợp đẩy mạnh và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm đối tượng được thụ hưởng đẩy đủ các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp lệnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong, ngoài nước đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 3 tỷ đồng (năm 2018), chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ... được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình này đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, khơi dậy, bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
 
Nhờ đó, trong tổng số 150.000 người có công với cách mạng được công nhận và đang quản lý, có gần 23.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi. Tính đến cuối năm 2018, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có gần 37.000 lượt người có công và thân nhân người có công được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế; gần 1.000 lượt người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi trong giáo dục-đào tạo; gần 10.000 người có công và thân nhân người có công thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; gần 200 lượt người có công hưởng chính sách hỗ trợ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng; 2.500 người có công và thân nhân người có công đến điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tập trung tại Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh; 14.000 hộ chính sách người có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đặc biệt, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... Thống kê toàn tỉnh, hiện trên 98% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống ngang với hộ mức sống trung bình trở lên tại khu dân cư; trên 86% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng. 
 
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được tỉnh quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 85 nghĩa trang liệt sỹ, 66 nhà bia ghi tên liệt sỹ và 5 đài tưởng niệm liệt sỹ với trên 18.000 phần mộ liệt sỹ. Ngoài kinh phí của Trung ương, tỉnh, các địa phương đã huy động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ cơ bản khang trang, bền đẹp. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả…
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận do khó khăn trong việc rà soát, thẩm định hồ sơ; số liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
 
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Ðảng, Nhà nước.
 
Từ đó, bằng những việc làm cụ thể, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", góp phần thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công.
Nguyễn Trường Sơn
TUV, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

 

,