.

Giấc mơ có thật của em gái người Khùa

.
09:04, Thứ Hai, 03/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trở lại xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) lần này, việc đầu tiên trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thực hiện ngay là thông báo tin em Hồ Thị Thây đã nhập học Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Vậy là giấc mơ của em gái người Khùa đã thành hiện thực, câu chuyện về cô học trò nghèo vượt khó Hồ Thị Thây đã có cái kết viên mãn.
 
Tôi gặp Hồ Thị Thây gần 1 năm trước trong chuyến đi viết bài về hiệu quả của chương trình "Đồng hành với phụ nữ biên cương" trên biên giới Quảng Bình. Tháng 6-2018, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối hợp với Hội LHPN TP. Đồng Hới tổ chức chương trình "Đồng hành với phụ nữ biên cương" tại xã Dân Hóa. Với số tiền vận động được, Hội LHPN TP. Đồng Hới dự định sẽ làm nhà cho 1 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Khi ấy, trung tá Dương Đình Hoàn đã đề nghị, thay vì làm nhà tặng cho 1 phụ nữ, số tiền ấy dành để xây dựng mô hình chăn nuôi và mua nhu yếu phẩm hàng ngày, như vậy sẽ có nhiều phụ nữ được chia sẻ, giúp đỡ. Trước đề nghị rất hợp tình, hợp lý ấy, Hội LHPN TP. Đồng Hới đã nhanh chóng đồng ý và nhờ đồn khảo sát, lên danh sách phụ nữ khó khăn trên địa bàn đơn vị quản lý. 
Hồ Thị Thây chăm sóc đàn lợn, gà mong tiết kiệm được tiền để mẹ chi tiêu những ngày em đi học xa nhà.
Hồ Thị Thây chăm sóc đàn lợn, gà mong tiết kiệm được tiền để mẹ chi tiêu những ngày em đi học xa nhà.
Trong số phụ nữ được nhận quà có chị Hồ Thị Coong (bản Hà Nôông, xã Dân Hóa). Chị Coong được tặng 2 con lợn giống, trong đó có 1 con lợn đang chửa nhằm rút ngắn thời gian sinh đàn, sớm giúp gia đình bớt khó khăn. Chồng mất sớm, một mình chị Coong nuôi 4 người con khôn lớn.
 
Năm 2015, chị bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên chỉ nằm 1 chỗ. Con gái lớn đã lấy chồng, con trai đang đi học ở thành phố, con út mới chỉ lớp 5. Bởi vậy, dù mới 14 nhưng cô con gái thứ 3 của chị Coong là Hồ Thị Thây phải trở thành trụ cột gia đình. Lúc ấy, Thây cứ 1 ngày đi học, 1 ngày đi làm nương lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phong và gửi tiền cho anh Hồ Thi đang học ở thành phố.
 
Cuối 2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo kết nối với tổ chức từ thiện Chí Thiện để đưa chị Hồ Thị Coong ra Bệnh viện 108 chữa trị. Trong 2 tháng, tổ chức từ thiện đã lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho 2 mẹ con. Vì việc chữa bệnh của mẹ, Hồ Thị Thây phải nghỉ học luôn.
 
Tuy nhiên, ước muốn được đến trường chưa bao giờ tắt trong em dù việc học là rất khó, còn biết bao trở ngại. Mẹ, các chú ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng động viên Thây quay trở lại trường học nhưng học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thì em không đủ tiêu chuẩn, còn học bán trú ở xã Hóa Tiến thì em không đủ tiền để chi phí ăn ở, đi lại những ngày nghỉ. Nếu đi học thì gia đình chắc chắn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
 
Trước hoàn cảnh của gia đình chị Hồ Thị Coong, để tạo điều kiện cho em Hồ Thị Thây được đến trường, trung tá Dương Đình Hoàn đã tích cực liên hệ, kêu gọi hỗ trợ nhiều nơi. Thật may, biết được hoàn cảnh đặc biệt của cô học sinh ham học, vượt khó vùng cao biên giới, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đã đồng ý tiếp nhận Hồ Thị Thây.
 
Ngày nhập học, trung tá Dương Đình Hoàn đã đưa Thây số tiền của Hội LHPN TP. Đồng Hới tặng trước đó để em mua thêm quần áo, đồ dùng học tập. Cô gái nhỏ đã rơm rớm nước mắt hứa với chú Hoàn: “Cháu chẳng biết nói gì để thể hiện được sự biết ơn đối với các cô, các chú. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để không phụ tấm lòng của mọi người”.
 
Khi được hỏi về ước mơ hiện tại, sau khi đã được đi học, Hồ Thị Thây nói nhỏ: “Em không dám nghĩ chuyện gì xa xôi vì vẫn còn phải cố gắng 2 năm học nữa. Hè này được nghỉ, em sẽ tranh thủ nuôi lợn, gà, đi rừng để cho mẹ và em trai có chút tiền chi tiêu những ngày em đi học. Ở nhà có ổn thì em mới chuyên tâm học hành được”.
 
Trúc Hà
,