.
Chào mừng Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa:

Lên Hội Rằm tháng ba, ăn đặc sản Minh Hóa

.
08:45, Thứ Bảy, 28/04/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ai đã từng đến dự lễ hội Rằm tháng ba ở Minh Hóa, dẫu chỉ một lần thôi cũng sẽ không bao giờ quên được những điều đặc biệt của vùng đất này. Đó là vẻ huyền ảo của ánh trăng rằm miền sơn cước quyện trong tiếng hát đúm, hát ví bày tỏ tình yêu lứa đôi... Đặc biệt, đến với Hội Rằm tháng ba, du khách thập phương được thưởng thức những món ăn đặc sản riêng có của người dân Minh Hóa…
 
. Cơm bồi
 
Người Minh Hóa có món cơm bồi dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Ai lên Minh Hóa mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền đất sơn cước này. “Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn.” Đó là câu hò thuốc của người Minh Hóa thường hát với nhau trong lễ hội Rằm tháng ba và cũng nói lên tầm quan trọng của món bồi trong cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây.
 
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt ngô, hạt gạo và có thêm cả củ sắn tươi. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng rồi vớt ra để ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa khoảng một giờ đồng hồ là cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn; còn nếu ăn ngay thì đổ ra rá. 
Cơm bồi và ốc đực, món đặc sản riêng có của người Minh Hóa
Cơm bồi và ốc đực, món đặc sản riêng có của người Minh Hóa
Đối với món cơm bồi được làm từ gạo, thì vo gạo với nước nóng, còn các công đoạn khác cũng giống làm với bột ngô. Nếu có thêm sắn củ thì đưa sắn tươi vừa mới đào về rửa sạch, bóc vỏ, ép bớt nước, trộn với bột ngô, bột gạo, nhồi kỹ, rồi cho vào chõ đồ chín thành món cơm bồi.
 
Món bồi được người Minh Hóa dùng ăn với món ốc đực bắt ở suối và cà lào ở rừng… đã trở thành món ăn và tập quán ẩm thực đặc trưng của người dân nơi đây. Nó là sản phẩm văn hóa do người lao động sáng tạo ra…
 
. Rau dớn
 
Rau dớn là loài dương xỉ mọc hoang dại, ở trong rừng rau dớn thường mọc ở khe suối, bên những tảng đá. Rau dớn vừa là một loại rau rừng đặc biệt được nhiều người ưa thích; vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa một số bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng, lợi tiểu, chống táo bón... Rau dớn làm được nhiều món: luộc, nấu canh, xào thịt, xào tỏi, làm nộm… mà món nào cũng ngon.
 
Với người dân Minh Hóa, rau dớn gắn liền với câu chuyện đầy chất nhân văn của người dân nơi đây, nó là món chính trong mâm cơm “giỗ sống”, mâm cơm hiếu nghĩa mà người dân Minh Hóa dâng lên ông bà, cha mẹ ngày cận Tết.
 
Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở vùng rừng núi Minh Hóa dân cư thưa thớt, nghèo nàn. Có một người lên rừng đặt bẫy đơm thú được con lợn lòi to. Anh đem về chọn những miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm thổi từ lúa rẫy mới. Năm sau vào gần dịp Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm đầm ấm năm qua, người mẹ già đang bệnh nặng buột miệng thở dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng!”. Vợ anh nghe được đem chuyện kể lại cho chồng. Thương mẹ, nhưng vì nhà nghèo mà lại cận Tết nên khó chuẩn bị được một mâm thức ăn ngon nên anh nói với vợ lấy thóc giống còn lại đem giã gạo thổi cơm; còn mình thì ra suối gần nhà bắt cá và hái vội nắm rau dớn về nấu canh cho mẹ. Lạ thay, mẹ anh đang ốm nặng dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại. Năm sau đó, cây lúa trên rẫy lại tốt tươi, mẹ anh lại vui vẻ bên đàn cháu! Dân làng nói, nhờ có người con hiếu thảo như anh nên được trời đất phù hộ cho dân bản được mùa. Và tục “giỗ sống” được người dân Minh Hóa truyền lại cho đến ngày nay và trong mâm cơm ngoài thịt, cá, những món ngon nhất, nhất thiết phải có món rau dớn để dâng lên bậc sinh thành.
 
. Cháo môn
 
Theo những bậc cao niên ở Minh Hóa, cháo môn ban đầu là của người Mã Liềng, một tộc người thuộc nhóm dân tộc Chứt ở vùng núi huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Sau đó, đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Minh Hóa cũng học được và trở thành món ăn đặc sản, độc đáo ở vùng núi rẻo cao này.
Món cháo môn đặc sản của người Minh Hóa
Món cháo môn đặc sản của người Minh Hóa

Nguyên liệu để chế biến món cháo môn gồm: thịt hong gác bếp không quá khô, một số loại lá rừng, một ít gạo và tất nhiên là phải có tàu môn rừng. Tất cả những thứ nguyên liệu ấy được ninh nhừ, sền sệt nước là vừa ăn. Người dân Minh Hóa kể rằng, món cháo môn xưa là của người nghèo dùng để đãi bạn bè đến chơi. Xứ nghèo chả có gì, người dân vào rừng lấy những cây lá bản địa, trong đó thân môn rừng là chủ đạo, cùng với một ít cơm nguội, thêm chút măng tươi và một ít thịt khô ngày thường săn được đổ lộn vào ninh nhừ với nhau. Chủ nhà tưởng như thế sẽ không ngon, nhưng khách ăn thì khen lấy khen để. Cũng từ đó mà món cháo môn trở thành món ăn không chỉ để ăn hàng ngày mà người dân Minh Hóa dùng để đãi khách quý đến chơi. Ngày nay, món này còn được nhiều quán ăn, nhà hàng chế biến thành một món đặc sản để bán cho du khách gần xa…

. Canh ong, canh kiến
 
Với địa hình miền núi, Minh Hóa có nhiều loại ong rừng làm tổ. Trong đó có 3 loại ong, người dân Minh Hóa không phải săn để lấy mật mà lấy nhộng là ong bầu, ong chành và ong vò vẽ. Người Minh Hóa săn nhộng ong về để chế biến món canh đặc sản. Cách chế biến món nhộng ong của người dân Minh Hoá khá đơn giản. Khi nước sôi, cho ong vào nồi, khoảng 2 phút sau thì ong chín. Lúc này vắt mấy quả tắt (một loại cây họ chanh, có vị thơm rất đặc trưng thường dùng để chế biến món ong hoặc tằm) vào nồi ong và thêm gia vị, làn khói bay lên mang theo mùi nhộng ong hấp dẫn. Vị ong rất ngon, béo ngậy nên dù chỉ được một lần nếm thử món đặc sản này, thực khách sẽ nhớ mãi…
Trứng kiến, người dân Minh Hóa vừa lấy trong rừng vè để nấu món canh kiến lá bún đặc sản
Trứng kiến, người dân Minh Hóa vừa lấy trong rừng vè để nấu món canh kiến lá bún đặc sản
Cũng giống như món canh ong, canh kiến được chế biến từ trứng của loài kiến đen, kiến vàng làm tổ trên những cây cao. Người dân Minh Hóa săn về đãi sạch và nấu với lá cây bún mọc trong rừng. Bún là loại cây hoang dại chỉ mọc ở các bờ suối, có thân gỗ, lá hình đối xứng. Loài cây này cũng chỉ ra lá non vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên để có món canh kiến nấu bún chua, phải có một công đoạn hết sức công phu là ủ chua lá bún. Lá bún non được thái sợi mịn rồi bỏ vào chum sành, thêm ít muối hạt, đường mơ, đổ thêm nước ấm khoảng 15 độ C vào và đậy kín lại, sau đó đặt cạnh bếp lửa chừng 3 ngày. Khi chum lá bún vần quanh bếp đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ và dậy mùi thơm thì lấy ra nấu với trứng kiến vừa đánh về.  
 
Để có nồi canh trứng kiến nấu bún giòn ngon, người dân Minh Hóa không dùng dầu mỡ như ở dưới xuôi mà chỉ sử dụng những gia vị truyền thống dễ kiếm tìm được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với vị béo ngậy của trứng kiến, vị chua thanh của bún tạo nên một món canh chua ngon, độc đáo và riêng có của người Minh Hóa.
 
Ngày nay, món trứng kiến nấu lá bún không chỉ là món ăn thường ngày của người Minh Hóa mà còn trở thành đặc sản níu giữ chân du khách thập phương vào dịp lễ hội Rằm tháng ba hàng năm.
 
Phan Phương
,